Trong phần tranh luận lại với Viện kiểm sát (VKS), hầu hết các luật sư đều cho rằng phần đối đáp của cơ quan công tố là chưa thỏa đáng.
Bị cáo Huyền Như được dẫn giải vào tòa
Luật sư Lưu Văn Tám nhận định Viện kiểm sát chỉ lặp lại nội dung bản luận tội, nhiều nội dung không theo kịp diễn biến phiên tòa, nhiều chứng cứ và lời khai chưa được đưa ra đánh giá.
Ngày 21/1, phiên tòa xét xử "đại án" Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng tiếp tục với phần đối đáp giữa các luật sư với quan điểm của Viện kiểm sát.
Căng thẳng trách nhiệm Vietinbank
Ngoài phần đối đáp ngắn gọn của các luật sư bào chữa cho Huỳnh Thị Huyền Như và một số bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên ngân hàng, phiên tòa diễn ra căng thẳng xung quanh vấn đề trách nhiệm của ngân hàng Vietinbank trong vụ án.
Mở đầu phần đối đáp, luật sư Trương Thanh Đức - người bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Nam Việt (Navibank) cho rằng việc cơ quan công tố khẳng định nguyên nhân dẫn đến việc Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản một phần do các bên gửi tiền nhưng không đến giao dịch tại trụ sở Vietinbank là hoàn toàn vô lý.
Để làm rõ nhận định trên, luật sư Đức chỉ ra rằng ngay chính trên trang web của Vietinbank sáng 21/1 còn nêu rõ khi gửi tiền tại Vietinbank, khách hàng sẽ được hưởng rất nhiều tiện ích trong đó có giao dịch tại nhà. Cũng theo luật sư, trong thời buổi công nghệ hiện nay, việc người dân ở nhà chỉ cần click chuột có thể chuyển hàng trăm tỷ đồng cũng là điều bình thường, không có gì mới mẻ.
Về việc VKS cho rằng do các bên gửi tiền tin tưởng Huyền Như vô căn cứ nên xảy ra sự việc, nếu tin tưởng Huyền Như có căn cứ thì không xảy ra. Luật sư đặt câu hỏi Huyền Như là người có chức vụ thật, có quyền thật tại Vietinbank, được Vietinbank tín nhiệm, vậy khi muốn gửi tiền vào Vietinbank không tin Huyền Như thì tin ai?
Luật sư Đức còn nêu thêm chính trên trang web của Vietinbank từ mấy hôm trước còn ghi rõ khách hàng đã chuyển tiền vào Vietinbank là hợp pháp, ngân hàng sẽ quản lý an toàn, chính xác và bảo mật. Tuy nhiên, sau khi các luật sư đưa ra quan điểm sau phần luận tội của VKS, nội dung trên trang web của Vietinbank được sửa lại thành tiền gửi của khách hàng được đảm bảo an toàn, bảo mật.
Vị luật sư đã chụp lại màn hình cả 2 nội dung trên để đảm bảo khách quan. Nếu Vietinbank không "giật mình" thì tại sao lại phải thay đổi như trên?
Huyền Như là cán bộ quản lý của Vietinbank, Như huy động thêm 1 đồng tài sản hạch toán của Vietinbank tăng 1 đồng, Như rút ra 1 đồng khối tài sản của Vietinbank cũng giảm 1 đồng nên Vietinbank không thể không nói không biết, không tham gia.
Bảo vệ quyền lợi cho Công ty CP chứng khoán Saigonbank - Berjya (SBBS), luật sư Nguyễn Minh Tâm khẳng định VKS đã quá chủ quan khi cho rằng SBBS bị chiếm đoạt tài sản là do tham lãi suất cao, không thực hiện nghĩa vụ quản lý tài khoản của mình.
"VKS nói chung tôi thiếu trách nhiệm quản lý tài khoản của mình nhưng thiếu chỗ nào? Chẳng lẽ hàng ngày khách hàng phải đến ngân hàng kiểm tra hay sao? Trong khi đó trong giấy đăng ký mở tài khoản, Vietinbank nêu rõ Vietinbank có trách nhiệm thông báo biến động số dư tài khoản cho khách hàng, hàng tháng tổng kết báo bằng bưu điện nhưng Vietinbank đã không thực hiện nghĩa vụ này", luật sư Tâm nói thêm.
Kết thúc bài bào chữa, luật sư Tâm đánh giá việc VKS khẳng định Vietinbank không phải bồi thường là không có cơ sở, đi ngược lại sự thật khách quan trong vụ án.
Vị luật sư lấy ví dụ: việc Vietinbank phủ nhận trách nhiệm không khác nào việc bà A đem xe đến gửi tại nhà bà B và hàng ngày phải trả phí gửi xe. Sau đó, con bà B đã nói dối bà B và lấy xe đem bán lấy tiền tiêu xài. Bà A đến hỏi xe thì bà B bảo tìm con bà mà đòi, bà không biết, không liên quan nên không có trách nhiệm. Điều này thật vô lý.
"Chưa thỏa mãn với đối đáp của VKS"
Cũng trong phần tranh luận, luật sư Lưu Văn Tám - người bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng ACB nói ông chưa thỏa mãn với ý kiến đối đáp của VKS. Các đối đáp của cơ quan công tố chỉ lặp lại nội dung bản luận tội, nhiều nội dung không theo kịp diễn biến phiên tòa, nhiều chứng cứ và lời khai chưa được đưa ra đánh giá.
Luật sư Tám phân tích: VKS cho rằng hợp đồng gửi tiền của ACB là hợp đồng thật, con dấu thật nhưng chỉ là "thật với ACB còn là giả với Vietinbank". Luật sư khẳng định quan điểm trên hoàn toàn không thuyết phục.
Bởi lẽ, nếu nói hợp đồng là giả với phía Vietinbank tức là các ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương (Phó Giám đốc Vietinbank - chi nhánh TP.HMC, đại diện Vietinbank ký hợp đồng) sẽ là người giả, các chữ ký của các ông bà này cũng ký giả và con dấu cũng là giả ? Cũng theo logic đó, số tiền 669 tỷ đồng khi đang còn trong túi ACB là tiền thật, nhưng khi chuyển vào túi tiền của Vietinbank đã biến từ tiền thật thành tiền giả? Từ đó, Vietinbank trở thành người vô can?
Về việc VKS cho rằng 32 hợp đồng Vietinbank ký với ACB là giao dịch bất hợp pháp là không chính xác, không đúng với quy định của Bộ Luật Dân sự. Nếu mức lãi suất ngoài hợp đồng là trái pháp luật thì hợp đồng cũng chỉ vô hiệu một phần liên quan đến lãi suất còn lại các nội dung khác, việc chuyển tiền, lãi suất trong hợp đồng...đều là thật. Hiện tại, cũng chưa có một quyết định nào tuyên hợp đồng trên vô hiệu nên không thể nói Vietinbank không có trách nhiệm.
Kết thúc phần trình bày, luật sư Tám tái khẳng định: trong vụ án này, Huyền Như đã chiếm đoạt tiền vay của Vietinbank chứ không phải là tiền gửi trong tài khoản của ACB, Vietinbank mới chính là đơn vị bị thiệt hại, là nguyên đơn dân sự chứ không phải là ACB. Từ đó, Vietinbank phải có trách nhiệm trả tiền cho khách hàng.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục.