Theo Tiền phong, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đại diện Chính phủ gửi Quốc hội tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), phục vụ kỳ họp thứ 6, khai mạc vào ngày 23/10 tới.
Cụ thể, lần sửa đổi này đề xuất bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh), người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp; người lao động làm việc không trọn thời gian.
Cùng với đó, lần sửa đổi này, Chính phủ cũng đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu. Nghị quyết 28 của Trung ương nêu rõ lộ trình giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.
Việc giảm thời gian đóng góp phần tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia muộn, hoặc tham gia không liên tục, cũng có trường hợp làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn.
HĐND TP Hà Nội mới đây đã thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, trong đó có hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn TP giai đoạn 2022 - 2025.
TP Hà Nội sẽ hỗ trợ tiền đóng BHXH cho một số đối tượng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hàng tháng như sau:
- Hỗ trợ 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo.
- Hỗ trợ thêm 25% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo.
- Hỗ trợ thêm 10% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với các đối tượng khác.
Thời gian thực hiện Chính sách này từ 1/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025.
Tổng mức hỗ trợ của Nhà nước và ngân sách thành phố dành cho người tham gia BHXH tự nguyện là: Người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 60%; người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 50%, các nhóm đối tượng khác được hỗ trợ 20%.
Tương đương với mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất đối với người thuộc hộ nghèo là 132.000 đồng/tháng, hộ cận nghèo là 165.000 đồng/tháng, người thuộc đối tượng khác là 264.000 đồng/tháng.
Phấn đấu đến năm 2025, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 3% lực lượng lao động trong độ tuổi tương ứng 150.000 người và đến năm 2030, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 10% lực lượng lao động trong độ tuổi tương ứng 510.000 người.