Những ngày qua, lùm xùm của Miss World Vietnam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi nhận được sự quan tâm lớn từ phía dư luận. Cô từ 1 tân hoa hậu được nhận xét xứng đáng từ nhan sắc, học thức đến khả năng catwalk lại phải đối diện làn sóng tẩy chay, yêu cầu tước vương miện và suất thi quốc tế.
Hiện, một bộ phận anti-fan còn quá khích "tấn công" gia đình, thầy cô của người đẹp tại quê nhà. Hành động là quá đáng, vượt quá giới hạn và gây tổn hại đến những người không liên quan.
Liên quan đến vụ việc này, mới đây, Lao động đã dẫn lời Luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật Hừng Đông) về hành vi của các đối tượng trên. Vị luật sư cho rằng, việc nhiều người tấn công gia đình, miệt thị ngoại hình của Hoa hậu Ý Nhi là không văn minh.
"Quyền tự do ngôn luận của công dân đã được pháp luật ghi nhận tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, pháp luật quy định quyền tự do ngôn luận được giới hạn theo quy định của pháp luật.
Ở góc độ công luận, người dân có quyền đặt câu hỏi xoay quanh các vấn đề như cuộc thi có vi phạm quy định của pháp luật hay không, chất lượng của cuộc thi và thí sinh như thế nào, trách nhiệm của đơn vị tổ chức trong việc quản lý hình ảnh hoa hậu. Thế nhưng, họ không được có những hành vi quá khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", Luật sư Toại nói.
Ông Toại cho hay, tâm lý không sợ bị cơ quan chức năng truy vết, xử lý khiến nhiều người có hành động, lời nói không phù hợp, thiếu chuẩn mực. Bởi, trên không gian mạng, các tài khoản này đều ẩn danh, người dùng hầu như không biết nhau.
Sự đông đảo của cư dân mạng dễ thổi phồng vấn đề khiến mọi chuyện trở nên biến tướng. Có người bêu rếu, cười cợt những hình ảnh nàng hậu khóc, xin lỗi công chúng.
Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Hữu Toại đưa ra quan điểm: "Thực tế, chế tài xử lý về hành chính theo quy định hiện tại còn nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung. Vì vậy, theo tôi trong thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước cần sửa đổi quy định này để tăng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa các vi phạm trên không gian mạng.
Theo quan điểm của tôi, cơ quan quản lý cần có những quy định rõ ràng, yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phối hợp để kiểm soát các thông tin, quản lý hành vi ứng xử trên mạng xã hội. Hành động đó sẽ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức cũng như lợi ích của nhà nước".
Trước đó, trên MXH liên tục lan truyền những phát ngôn của Hoa hậu Ý Nhi và khiến một bộ phận khó chấp nhận. Cô bị lập group anti-fan lên tới hơn 600 nghìn thành viên, nhiều văn nghệ sĩ trong showbiz Việt như: nhà Thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Hoài Hương, NTK Đỗ Mạnh Cường,... cũng đưa ra những quan điểm riêng của họ về ồn ào của Ý Nhi và nhận được nhiều sự quan tâm lớn từ phía công chúng.