Thân phận thật của đứa bé do Hoàng hậu Uyển Dung sinh ra chính là một vết nhơ đối với Phổ Nghi và hoàng tộc Thanh triều.
Trong lịch sử cận đại Trung Quốc, Phổ Nghi được nhận định là một nhân vật chính trị quan trọng, đồng thời cũng là một vị vua có cuộc đời bi kịch.
Vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh lần đầu lên ngôi vào năm 3 tuổi, tới 6 tuổi thì buộc phải thoái vị, 10 tuổi lại bị đuổi khỏi Tử Cấm Thành. Sau này, ông bị biến thành con rối bù nhìn trong tay Nhật Bản với cái danh "Quốc trưởng Mãn Châu Quốc".
Vì sao lại nói Phổ Nghi là một vị vua có số phận bi kịch? Đó không chỉ vì ông đã buộc phải từ bỏ cơ nghiệp hơn 2 thế kỷ của tổ tông, mà còn bởi ông sở hữu cuộc sống hôn nhân đầy bất hạnh.
Nhắc tới sự truân chuyên trong đời sống vợ chồng của Phổ Nghi, hậu thế không khỏi nhớ ngay đến việc nhà vua bị chính Hoàng hậu của mình "cắm sừng" vì bị… vô sinh!
Nhưng điều cay đắng hơn nằm ở chỗ, ông thậm chí còn buộc phải bỏ tiền ra cho tình nhân của vợ để cứu vãn danh dự hoàng tộc.
Cuộc sống vợ chồng của Phổ Nghi và Uyển Dung không hề êm đẹp, hài hòa như trong những bức ảnh lưu lại cho hậu thế. (Ảnh: Nguồn Internet).
Phổ Nghi bị vợ bỏ vì "bất lực": Tuổi trẻ phóng túng đổi lấy một đời bất hạnh
Có lẽ, Phổ Nghi là vị vua hiếm hoi trong lịch sử Trung Quốc từng bị vợ công khai ly hôn. Mà người đó không ai khác chính là Thục phi Văn Tú.
Trên thực tế, vị Hoàng đế cuối cùng của Thanh triều từng có tới 5 bà vợ, nhưng lại không có lấy nổi một mụn con để nối dõi tông đường.
Có ý kiến cho rằng, những truân chuyên trong hôn nhân của Phổ Nghi thực chất bắt nguồn từ việc ông vua này gặp vấn đề về khả năng sinh lý.
Phổ Nghi kết hôn cùng Hoàng hậu Uyển Dung vào năm 16 tuổi. Khi đó, ông là một thiếu niên đang tuổi tráng kiện, bừng bừng sức sống. Nhưng điều kỳ quái nằm ở chỗ, vào đêm ngày cưới, Hoàng đế và Hoàng hậu lại không hề động phòng.
Theo hồi ức của thái giám cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa là Tôn Diệu Đình, vào tối ngày 30/11/1922 (ngày thành thân của Hoàng đế), Phổ Nghi chỉ đưa Uyển Dung tới hoan phòng ở Khôn Ninh Cung rồi không ở lại mà đến Dưỡng Tâm điện chơi cùng các thái giám nhỏ tuổi đến khi trời sáng.
Hai người trẻ tuổi vào đêm tân hôn lại không động phòng. Điều này khiến người đời không khỏi nghi ngờ rằng: Phải chăng Phổ Nghi về phương diện giường chiếu quả thực có điểm "không được"?
Đối với tin đồn ấy, thái giám Tôn Diệu Đình cũng ngầm tỏ vẻ đồng tình. Ông cho biết: "Trước kia, thái giám trong cung vì lười biếng muốn trốn việc nên thường xuyên đưa cung nữ cho Phổ Nghi chơi đùa từ lúc nhà vua mới lên 10.
Đến năm 12, 13 tuổi, cơ thể của Hoàng đế từ sớm đã vì lao lực phòng the quá độ mà trở nên bất lực."
Trong cuốn hồi ký của mình, Phổ Nghi cũng đích thân kể lại rằng, từ khi mới lên 10 tuổi ông đã "biết mùi đàn bà". Thậm chí có những đêm, nhà vua cùng lúc được 2-3 cung nữ "phục vụ".
"Sáng hôm sau tỉnh dậy, ta thấy hoa mắt, chóng mặt, nhìn mặt trời và mọi thứ xung quanh đều ra màu vàng ệch". Đó chính là những lời mà Phổ Nghi viết trong hồi ký của mình.
Chính bởi "lao lực" phòng the quá độ khi chưa trưởng thành, Phổ Nghi từ sớm đã bị yếu sinh lý và thường xuyên phải sử dụng các loại thuốc trợ dương.
Trong một cuốn sách được xuất bản bởi chuyên gia nghiên cứu lịch sử Thanh triều là Giả Anh Hoa, nhà sử học này đã đưa ra bằng chứng thuyết phục nhất trước tin đồn Phổ Nghi bị yếu sinh lý.
Theo đó, vào năm 1962, khi Phổ Nghi đang điều trị tại Bệnh viện Hiệp Hòa (Bắc Kinh), bệnh lý ghi lại tình trạng của ông có viết rõ:
"Bệnh nhân khi lên ngôi Hoàng đế vào 30 năm trước đã bị liệt dương, dù liên tục điều trị nhưng không khả quan. Người bệnh còn có thói quen hút thuốc, đã vài lần kết hôn nhưng không có con…"
Từ những cứ liệu lịch sử này, có thể thấy rằng việc vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh bị yếu sinh lý có lẽ không chỉ là tin đồn.
Phổ Nghi vô sinh, con gái của Uyển Dung là con ai?
Vì những năm tháng niên thiếu không biết tiết chế ham muốn của bản thân, nên ở vào thời điểm kết hôn cùng Uyển Dung năm 16 tuổi, Phổ Nghi từ sớm đã mất đi khả năng sinh lý.
Hoàng hậu Uyển Dung bằng tuổi Phổ Nghi. Xuất thân trong gia đình danh giá, lại là một cô gái đương độ thanh xuân phơi phới, thế nhưng Hoàng hậu lại phải chịu cảnh vò võ một mình nơi cấm cung.
Có giai thoại truyền lại rằng, 10 năm sau ngày thành hôn cùng Hoàng đế, Uyển Dung vẫn còn là một trinh nữ.
Vì không chịu đựng được cảnh quạnh hiu nơi khuê phòng, nên bà đã tư thông cùng 2 hậu vệ thân tín của nhà vua.
Năm 1935, Uyển Dung sinh hạ con gái đầu lòng. Thế nhưng phải đến thời điểm trước khi đứa bé ra đời, Phổ Nghi mới hay tin mình sắp "làm cha". Biết được tin này, Hoàng đế giận dữ hét lớn. Bởi ông hiểu rõ hơn ai hết, con của Hoàng hậu chắc chắn không phải là giọt máu của mình.
Đời sống hôn nhân không trọn vẹn đã khiến Hoàng hậu Uyển Dung buộc phải tìm hạnh phúc ở người đàn ông khác. (Ảnh: Nguồn Internet).
Chuyện Phổ Nghi không có khả năng sinh dục mặc dù người ngoài bán tín bán nghi, nhưng điều đó từ lâu đã trở thành một bí mật không công khai mà người trong hoàng thất ai cũng biết. Vậy cha ruột của đứa bé ấy là ai?
Sau khi cho người bí mật điều tra, vị Hoàng đế ấy mới "ngã ngửa" khi biết rằng, đứa bé Hoàng hậu sinh lại là giọt máu của thị vệ thân tín nhất bên nhà vua – Lý Thể Dục.
Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó, điều khiến Phổ Nghi càng thêm căm giận hơn là Uyển Dung không chỉ tư thông với người này, mà còn có quan hệ bất chính với một thị vệ khác là Kỳ Kế Trung.
Lúc mới biết được chân tướng, Phổ Nghi giận sôi máu, cảm thấy bản thân bị "cắm sừng" đến mức không còn mặt mũi nào. Ông vốn định rút súng bắn chết hai kẻ Lý – Kỳ, nhưng lại sợ tin đồn lan xa làm ảnh hưởng đến thể diện hoàng thất.
Cuối cùng, Hoàng đế không những không thể xuống tay với tình nhân của vợ, mà còn buộc phải "xuất quỹ" cho hai kẻ ấy đến 400 đồng bạc Đông Dương để "ém miệng" và cho chúng cao chạy xa bay.
Về số phận của người con gái mà Hoàng hậu sinh ra, có giai thoại truyền lại rằng, Phổ Nghi vì tức giận mà đã ném đứa bé vào lò lửa ngay sau khi mới chào đời, rồi tống Uyển Dung vào lãnh cung.
Cũng kể từ đó, vị Hoàng hậu bất hạnh ấy lao vào những cuộc vui với thuốc phiện cho tới lúc tạ thế
Từng ở ngôi vị mẫu nghi thiên hạ, nhưng Uyển Dung chưa bao giờ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên Phổ Nghi. Nửa đời sau của vị Hoàng hậu ấy còn đắm chìm trong thuốc phiện.
Trong cuốn hồi ký của mình, Phổ Nghi kể lại rằng:
"Tôi nghe nói Uyển Dung ngày đêm làm bạn với thuốc phiện. Bà ấy hút thuốc phiện thay ăn cơm, uống nước…"
Kể từ sau ngày biết được việc Hoàng hậu phản bội mình, Phổ Nghi từ lâu đã không còn màng tới sống chết của người vợ cả ấy. Ông cho rằng, việc một bậc mẫu nghi thiên hạ lại đi tư thông với hộ vệ của chồng vốn là một điều không thể tha thứ.
Nhìn lại cuộc sống hôn nhân cũng như những bà vợ của Phổ Nghi, không khó để có thể nhận thấy rằng, chẳng mấy ai trong số họ thực sự có được hạnh phúc.
Mà một trong những nguyên nhân dẫn đến bất hạnh của những người trong cuộc, có lẽ cũng phần nào bắt nguồn từ sự "bất lực" về nhiều mặt của Phổ Nghi…