Moscow nói hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Romania là mối đe dọa đối với an ninh Nga. Washington và Brussels lại nhấn mạnh hệ thống này không nhắm vào Nga và không chống lại được các tên lửa của Nga. Vậy thì đâu là sự thật?
Hệ thống phòng thủ tên lửa đầu tiên của Mỹ trên đất châu Âu, Aegis, đã được khánh thành tại Romani vào ngày 12/5/2016. Ngày hôm sau, NATO bắt đầu xây hệ thống phòng thủ tên lửa thứ hai, tại Redzikowo, phía bắc Ba Lan.
Trong khi NATO đảm bảo với Nga rằng hệ thống này không đặt ra mối đe dọa với họ, Moscow đã bày tỏ lo lắng với tin tức này.
"Không có gì phải nghi ngờ rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này là mối đe dọa thực sự đối với an ninh Nga", thư ký báo chí tổng thống, ông Dmitry Peskov nói.
NATO: Hệ thống phòng thủ tên lửa không nhằm vào Nga
Trong 15 năm qua, Mỹ và NATO đã cố gắng thuyết phục Moscow về điều ngược lại. Thậm chí Washington còn bỏ hiệp ước cấm phát triển và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa từ năm 2001.
Mỹ khẳng định rằng hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu là một phần kế hoạch để tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu và không nhằm vào việc phá hủy tiềm năng tên lửa hạt nhân của Nga. Phương Tây nói rằng họ đang tạo ra hệ thống liên quan đến các mối đe dọa tiềm ẩn từ các nước như Iran và Triều Tiên.
Ngày 12/5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa không đặt ra mối đe dọa vật chất cho các tên lửa của Nga.
"Địa lý và vật lý không cho phép chúng tôi bắn hạ các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Nga vì chúng tôi có rất ít lá chắn tên lửa và chúng lại nằm hoặc là quá xa ở phía nam, hoặc là quá gần so với biên giới Nga", ông nói.
Máy bay trực thăng chở đoàn đại biểu hạ cánh tại lễ động thổ chính thức của căn cứ phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ tại Deveselu. Ảnh: AP |
Theo ông Konsantin Bogdanov, một chuyên gia quân sự tại website Lenta.ru, ông Stoltenberg " chắc chắn đúng" khi căn cứ Romania là đáng quan ngại: "NATO không muốn và cũng không có khả năng sử dụng căn cứ này chống lại Nga", ông nói.
Nga: Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không giới hạn tới Deveselu
Nhưng căn cứ tại Deveselu, Romania chỉ là một trong số nhiều yếu tố thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis. Các thành phần khác của nó có vẻ ít vô thưởng vô phạt hơn, quân đội Nga nói.
Moscow cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Redzikowo, Ba Lan, sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2018, đặt ra mối đe dọa tiềm ẩn cho các ICBM của Nga. Quan điểm này đã đưa ra tranh luận tại Hội nghị An ninh Moscow Đầu tiên từ năm 2012.
Theo quan điểm của các chuyên gia Nga, sau sự xuất hiện của các tên lửa đánh chặn hiện đại hơn như SM-3 Block IIA và Block IIB, Mỹ sẽ có thể tấn công các tên lửa chiến lược của Nga và có thể được phóng đi từ phía tây, tây bắc của Nga theo hướng Bắc Mỹ. Các tên lửa mới của Mỹ được dự kiến sẽ được hoàn thành vào những năm 2020.
Nhưng cho dù có nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa hơn nữa tại Romania và Ba Lan, quân đội Nga vẫn lo lắng về "những thành phần di động" của Aegis - các tên lửa đánh chặn cài đặt trên các tàu quân sự.
Một chuyên gia nhấn mạnh trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, các tàu này có thể được tập trung lại gần bờ biển Scandinavia tại vùng biển Na Uy. Đó chính là khu vực nằm trong quỹ đạo ICBM của Nga trải dài tới tận Bắc Mỹ.
Nga: Hiệp ước Tên lửa tầm trung INF bị vi phạm
Sự xuất hiện của hệ thống phòng thủ tên lửa tại Deveselu đã bị Nga phản đối, không chỉ bởi phạm vi mà kiến trúc hệ thống phòng thủ tên lửa này bao phủ, quân đội và bộ ngoại giao Nga còn tuyên bố căn cứ tại Romania đã vi phạm Hiệp ước INF được ký kết năm 1987.
Điểm mấu chốt của vấn đề này là những nền tảng phóng tên lửa tại căn cứ ở Romania có thể được sử dụng để phóng tên lửa hành trình - các loại tên lửa đã bị hiệp ước cấm. Mỹ đảm bảo với Nga rằng họ không có ý định sử dụng các bệ phóng cho những mục đích này.
Tuy nhiên, như ông Konstantin Sivkov thuộc Học viện Các vấn đề Chính trị ở Moscow đã chỉ ra, việc tạo ra cơ sở hạ tầng như thế này có thể "vi phạm trắng trợn Hiệp ước INF".
Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis ở châu Âu: Các căn cứ ở Deveselu, Romania và Redzikowo, Ba Lan: Mỗi căn cứ có một radar SPY-1 và 24 tên lửa SM-3. Radar tại Kurecik, Thổ Nhĩ Kỳ. Ít nhất có 4 tàu hải quân Mỹ được trang bị hệ thống Aegis Trung tâm chỉ huy tại căn cứ của Mỹ ở Rammstein, Đức. |
Bảo Linh (RBTH)