Tin mới

Mang theo tiền giả để giải xui có vi phạm pháp luật?

Thứ ba, 26/05/2015, 19:57 (GMT+7)

Do hằng ngày đi bán dạo vé số nên Lượng thường dùng USD giả để đốt xả xui mỗi khi bán ế.

Do hằng ngày đi bán dạo vé số nên Lượng thường dùng USD giả để đốt xả xui mỗi khi bán ế.

Mới đây, thông tin từ VKSND tỉnh Đồng Tháp xác nhận vừa phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt giam có thời hạn đối với Lê Văn Lượng (SN 1975; ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) về hành vi lưu hành và tàng trữ đô la giả.

Theo kết quả điều tra, tối 8-5, tại khu vực chợ Lấp Vò thuộc khóm Bình Thạnh 1, thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, lực lượng chức năng bắt quả tang Lượng đang giữ 34 tờ mệnh giá 100 USD có dấu hiệu lạ. Qua trưng cầu giám định, số USD đã thu giữ là giả.

Lượng và số tiền giả mang theo người.

Tại cơ quan điều tra, Lượng khai nhận số USD trên mua ở huyện An Phú (tỉnh An Giang). Do hằng ngày đi bán dạo vé số nên Lượng thường dùng USD giả để đốt xả xui mỗi khi bán ế. Những lần đầu, thấy đốt có “hiệu nghiệm” nên Lượng mua về nhiều để mang theo, dùng khi xả xui.

Luật quy định thế nào về “Hành vi vận chuyển, lưu hành tiền giả”?

Để tìm hiểu rõ hơn về những quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vận chuyển, lưu hành tiền giả chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp- Đoàn luật sư Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Cường cho biết: “Hành vi vận chuyển, lưu hành tiền giả của Lê Văn Lượng sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 180 Bộ luật hình sự: Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả và hình phạt được quy định như sau:

Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.

Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3, phần I, Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì "Tiền giả bao gồm tiền Việt Nam đồng giả và ngoại tệ giả; ngân phiếu giả, công trái giả bao gồm ngân phiếu, công trái giả ngân phiếu, công trái của Việt Nam hoặc của nước ngoài phát hành, nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam". Như vậy, theo quy định trên thì ngoại tệ giả cũng được xác định là "tiền giả" và cũng bị xử lý theo quy định tại Điều 180 Bộ luật hình sự.

Giá trị tiền giả mà đối tượng đã tàng trữ, vận chuyển, lưu hành làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự được Nghị định số 02/2003/NQ-HĐTP quy định như sau:Nếu tiền giả có trị giá tương ứng dưới mười triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 180 Bộ luật Hình sự;

Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ mười triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 180 Bộ luật Hình sự;

Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ một trăm triệu đồng tiền Việt Nam trở lên thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 180 Bộ luật Hình sự. 

Ngoài ra, Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP cũng quy định: Đối với người nhiều lần làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ; nếu trong các lần phạm tội đó có trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không xem xét trách nhiệm hình sự đối với trường hợp đó (không cộng số lượng tiền giả của lần phạm tội đó); nếu có hai lần phạm tội làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả của các lần phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ, còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.

Như vậy, đối tượng Lê Văn Lượng sẽ chịu trách nhiệm hình sự tương ứng tới giá trị của tổng số tiền mà Lượng đã tàng trữ, lưu hành trái pháp luật. Chỉ với số tiền giả (3400 USD) mà cơ quan công an đã thu giữ của Lượng, tương đương với trị giá khoảng 70 triệu đồng nêu trên thì Lượng cũng sẽ bị xử lý theo khoản 2, Điều 180 Bộ luật hình sự và hình phạt là tù từ năm năm đến mười hai năm. Nếu ngoài số tiền trên, công an còn có căn cứ xác định Lượng phạm tội nhiều lần hoặc số lượng tiền giả lớn hơn số đã thu giữ nêu trên thì Lượng có thể bị chuyển khung hình phạt với mức hình phạt cao hơn.

Trang Lê

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: tiền giả