Liên quan đến vụ máy bay Lion Air chở ít nhất 188 hành khách của Indonesia rơi xuống biển, hãng hàng không giá rẻ của Indonesia cho biết, chiếc máy bay nay vừa được sản xuất trong năm 2018, đi vào hoạt động từ ngày 15/8.
Theo tin tức trên tờ Theo Bloomberg, hãng hàng không giá rẻ của Indonesia cho biết, chiếc máy bay gặp nạn hoàn toàn đủ tiêu chuẩn hoạt động.
Cũng theo Flightradar, chiếc máy bay của Air Lion gặp nạn vào sáng nay thuộc phiên bản mới của Boeing 737 là Boeing 737 MAX-8. Chiếc máy bay này mới được chuyển giao cho Lion Air hoạt động từ ngày 15/8 năm nay. Như vậy, tính đến nay, chiếc Boeing 737 Max 8 mới phục vụ được 75 ngày, đánh dấu lần đầu tiên một chiếc máy bay thuộc dòng này gặp tai nạn.
Chuyến bay mang số hiệu JT610 được điều hành bởi Cơ trưởng Bhavye Suneja và cơ phó Harvino. Cả hai đều là những người dày dặn kinh nghiệm trong đó ông Suneja đã bay được 6.000 giờ còn cơ phó đã thực hiện 5.000 giờ bay.
Lion Air khẳng định sẽ hợp tác với giới chức để điều tra vụ tai nạn.
Máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không Lion Air gặp nạn trong sự cố ngày 14/4/2013. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Được biết, chiếc máy bay mang số hiệu JT-610 cất cánh từ sân bay Jakarta lúc 6h20 sáng và mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu lúc 6h33. Máy bay dự kiến hạ cánh tại Pangkal Pinang lúc 7h30.
Máy bay đã rơi xuống vịnh Karawang, tỉnh West Java, ông Muhammad Syaugi, người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia, cho biết. Vùng nước tại khu vực máy bay tai nạn có độ sâu khoảng 30 m đến 35 m.
Trang web Flightradar theo dấu hành trình máy bay cho thấy chiếc Boeing 737 MAX 8 bay vòng về hướng nam sau khi cất cánh rồi theo hướng bắc trước khi kết thúc đột ngột trên vùng biển Java, cách không xa bờ. Dữ liệu cuối cùng cho thấy chiếc máy bay đã “lao xuống một cách nhanh chóng”.
Liên quan đến vụ việc trên, chuyên gia khí tượng học Haley Brink của CNN cho hay, thời tiết dường như không phải là nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn bởi có những cơn bão trong khu vực nhưng không xuất hiện ở gần nơi máy bay gặp nạn.
Hà Trang (tổng hợp)