Người mẹ ngay sau khi sinh đôi, có lẽ vì sợ khổ nên bỏ nhà ra đi đâu không biết, để lại hai con nhỏ bệnh tật cho người chồng tự gánh vác.
Người vợ của anh Trịnh Văn Bình (SN 1987, ngụ số 371, tổ 5, phường Lãm Hà, quận Kiến An, TP.Hải Phòng) ngay sau khi sinh đôi, có lẽ vì sợ khổ nên bỏ nhà ra đi đâu không biết, để lại hai con nhỏ bệnh tật cho người chồng tự gánh vác. Anh Bình vừa làm cha vừa làm mẹ, nghỉ công việc rửa xe thuê để vào viện chăm con. Kinh tế gia đình càng thêm eo hẹp.
Trong cái nắng oi ả của mùa hè, căn nhà nhỏ càng thêm nóng nực bởi nắng chiều chiếu vào. Vật dụng trong nhà không có gì giá trị, chỉ chiếc giường, bàn ghế cũ kĩ, chiếc quạt cọc cạch. Người đàn ông khá già dặn so với tuổi 28, giọng buồn buồn, anh cho biết vợ mình sau ca sinh đôi bất ngờ bỏ nhà đi, đến nay chưa về.
Bố mẹ lấy nhau và sinh ra Bình ở Thái Nguyên. Được vài ngày tuổi, Bình đã theo bố mẹ về Hải Phòng ở nhà ông ngoại. Rồi bố Bình “bập” vào ma túy. Tiền kiếm được chẳng là bao nhưng hầu hết đều được bố Bình nướng vào “nàng tiên nâu”. Cậu bé còn bị bố mang hết sách vở đem bán lấy tiền mua ma túy, nên quyết định nghỉ học từ năm lớp 6. Hàng ngày, buổi sáng Bình theo mẹ bới rác khắp thành phố. “Người ta bỏ thức ăn đi, mẹ tôi vẫn đành mang về cho con ăn vì nhà nghèo không có tiền mua cơm”, anh nhớ lại.
Bố Bình nghiện ma túy ngày càng nặng, số tiền kiếm được không đủ “phê pha” nên hàng ngày ông đi gom tất cả xi lanh thuốc thừa của những con nghiện vứt đi để dùng. Có lần, vì không chịu được cuộc sống với người chồng nghiện ngập đốt tiền, mẹ đưa Bình vào Nam chạy trốn. Một thời gian sau, bố Bình ốm liệt giường, ma túy đã phá hủy dần con người ông. Bình và mẹ quay về nhà chăm sóc, rảnh thì bà bơm vá xe đạp trên cầu Niệm kiếm tiền. Người mẹ làm việc không ngừng nghỉ nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” đâm ra chán nản, bà quyết định lên chùa ở.
Mới 14 tuổi, cậu bé đã trải qua những cực khổ trần ai. Bố nghiện ngập, mẹ lên chùa, một mình Bình phải bươn chải tự kiếm tiền nuôi bản thân. Bình theo dì đi phụ vữa. “Lần đầu đội thúng bê tông trên đầu mà tôi ngã quỵ, mọi người không dám cho làm nữa, tôi phải năn nỉ họ mãi. Thân hình còi cọc mà đội thúng bê tông nặng, xi măng nhỏ hết vào đầu, tôi chảy nước mắt nghĩ thương cho phận mình. Nhưng tôi tự động viên mình phải cố gắng vì mẹ”, anh tâm sự. Năm 2002, người bố qua đời sau một thời gian dài bệnh tật, mẹ con Bình nương tựa nhau sống qua ngày.
Từng theo đoàn thợ xây lặn lội vào Bình Phước ở một thời gian, nhưng Bình bị người chủ “quỵt” mất tiền công. Ngày về đã là giáp Tết, trong người không còn đồng nào, Bình phải vay mượn mọi người tiền vé về quê. Số khổ đi đâu cũng khổ, anh quyết định về ở gần nhà. Những công việc như phụ hồ, vá xe, ai thuê gì anh làm nấy. Căn nhà lụp xụp 16m2 hai mẹ con ở, anh hoàn thiện dần .
Nghèo, nhưng anh được đánh giá là tốt tính, hòa nhã nhiệt tình, ai cũng quý. Tuy nhiên vì mặc cảm cái nghèo nên anh chưa dám tính đến chuyện hôn nhân. Trong một lần đi chơi nhà bạn, anh quen biết người vợ. Hoàn cảnh người phụ nữ cũng khó khăn đáng thương nên anh từ đồng cảm thành cảm mến. Quen nhau không lâu, Bình ngỏ lời, không ngờ rằng chính việc không tìm hiểu kỹ, nên sau này thêm những rắc rối.
Trước đây vợ Bình làm nhân viên tại một quán ốc, anh thường xuyên đến ăn “ủng hộ”. Nhưng lí lịch về vợ, anh biết quá sơ sài. Có ai đời lấy vợ, ăn ở với nhau mấy mặt con mà anh chỉ biết mang máng quê vợ Hưng Yên, gia đình thuê trọ nay đây mai đó, không ở đâu cố định. “Tình yêu” của họ là vài lần “buôn” điện thoại, gặp nhau trong vài lần đi chơi. “Một thời gian sau, chúng tôi ít liên lạc dần. Đến cuối năm 2012, cô ấy thông báo với tôi là đã có bầu 7 tháng. Chính cô ấy cũng không biết mình có em bé, tự nhiên thấy bụng to dần nên bảo tôi đưa đi khám. Lúc này, tôi thấy mình phải có trách nhiệm nên về nói với mẹ tổ chức đám cưới”, anh kể lại.
Hai cháu bé sinh ra chỉ hơn 1kg, được nuôi trong lồng kính (Ảnh minh họa) |
Nhìn lên tấm ảnh cưới treo trên tường, khách khen cô dâu xinh, nhưng Bình “đính chính”: “Thợ chỉnh sửa thì nhìn thế thôi, chứ ngoài đời mặt và mắt cô ấy bị lệch sang một bên”. Kết hôn xong, Bình để vợ ở nhà dưỡng thai chờ đến ngày sinh nở. Cháu bé chào đời trong niềm vui sướng được làm bố của Bình. Nhưng người vợ rất ít giao lưu, tiếp xúc với người ngoài mà chỉ lủi thủi một mình. Nhiều khi đi làm về, Bình buồn vì vợ chẳng bao giờ quan tâm đến chồng, cô lặng lẽ ở nhà như một cái bóng.
Bình đi phụ vữa gần nhà để tiện chăm sóc cho vợ con, ngày nào anh cũng nấu cơm, giặt đồ cho vợ. Bé lớn được 7 tháng vẫn đang bú mẹ, gia đình phát hiện người vợ mang bầu lần 2 được 5 tháng. “Cả hai lần mang bầu cô ấy đều không biết, chỉ đến khi cái thai đã lớn, mọi người nói cô ấy mới hay”, người chồng trần tình. Gần đến ngày con gái sinh lần hai, mẹ vợ đưa cháu lớn về nhà chăm sóc, Bình có thời gian chăm vợ nhiều hơn.
Đến khi cái thai được 7 tháng, vợ có dấu hiệu sinh non, phải nhập viện. “Bác sĩ nói có khả năng không giữ được cháu bé, có thể thai chết lưu, nếu mổ cơ hội sống sót là 50%. Tôi quyết định xin mổ, mẹ vợ khi nghe tin như vậy nghĩ rằng chỉ một cháu sống nên chỉ mua 1 bộ quần áo trẻ sơ sinh, còn dặn dò bé còn lại phải được chôn cạnh mộ ông nội”, anh nhớ lại.
Hai cháu bé sinh ra chỉ hơn 1kg, được nuôi trong lồng kính. Đứa anh tên Trịnh Anh Tuấn, bé em tên Trịnh Anh Tài yếu hơn. Mọi công việc chăm sóc hai con đều do một tay Bình lo liệu, người vợ không hề ngó ngàng gì. Cô lấy lý do “sữa có độc” nên không cho con bú. “Sinh được khoảng 4 ngày cô ấy xuất viện. Mẹ vợ tôi vào đón, tôi mải trông con nên không biết cô ấy đi về nhà ngoại luôn. Trước đây tôi mất số điện thoại của gia đình vợ nên không liên lạc được. Tìm đến nhà trọ thì người ta nói gia đình cô ấy đã chuyển đi trước Tết. Từ đó đến nay đã hơn 2 tháng mà vợ không gọi điện hỏi thăm con mình ra sao”, anh buồn rầu.
Vì gia đình neo người, một mình Bình phải ở lại chăm sóc con. Trước đó khi vợ nhập viện, anh đã phải bán chiếc xe máy duy nhất trong nhà để trang trải viện phí. Sau này, anh được thông báo hai bé sinh non chưa hình thành phổi nên phải tiêm thuốc, mỗi mũi là 30 triệu đồng. Hơn nữa bé Anh Tài ăn nhiều chất của anh hơn nên bị suy tim. Anh tưởng chừng như ngã quỵ bởi không lấy đâu số tiền 60 triệu để tiêm cho con. “Nhiều người biết chuyện bảo tôi đem con cho những gia đình có điều kiện thì mới có hi vọng. Nhưng tôi không nỡ nhìn máu mủ của mình bị chia rẽ. Tôi trình bày hoàn cảnh với các bác sĩ, mong họ giúp đỡ. May mắn, các cháu được tiêm thuốc miễn phí nên giữ được mạng sống. Giờ về nhà rồi, tôi cũng không có tiền cho cháu đi khám lại”.
Một mình chăm sóc hai đứa trẻ, Bình nhiều khi tưởng không còn sức lực. Đứa con này khóc rồi bên cạnh đứa con kia cũng khóc theo, anh quay cuồng với việc cho con ăn, thay tã bỉm. Đã 2 tháng, không ngày nào anh được một giấc ngủ ngon. “Lo nhất là hai cháu sinh non, sức khỏe yếu, có cháu còn khó thở quấy khóc rất nhiều. Bà nội cháu đi làm thuê giờ cũng phải ở nhà trông cháu. Vất vả, khốn khổ, nhưng nhìn thấy các cháu khỏe mạnh là tôi vui rồi”, người cha nở nụ cười hiếm hoi.
Theo Pháp luật Thời đại