Nói thật, tới giờ Phương đã chán ngấy cái cảnh mình tiêu tiền mồ hôi công sức của mình nhưng lại bị người khác cấm đoán, xét nét, thậm chí xúc phạm rồi...
"Nghe nói cô vừa mua tặng bố chiếc xe đạp điện cả mười mấy triệu đồng? Cô lắm tiền quá nhỉ? Tiền của cô hay lại của con trai tôi vậy? Có bao nhiêu chỉ chăm chăm bòn rút mang về nhà ngoại thôi. Chả hiểu sao số tôi hẩm hiu lại có kiểu con dâu như vậy nữa", mẹ chồng nói thẳng mặt Phương khi sang nhà cô chơi, có cả mặt chồng cô ở nhà.
Ảnh minh họa. |
Phương cau mày, trong lòng vô cùng không thoải mái. Đây không phải lần đầu tiên bà bóng gió có, mát mẻ có, thẳng mặt có, nói với cô về vấn đề này. Hồi cô mới về làm dâu, bà nhiều lần ám chỉ việc con gái đi lấy chồng phải chuyên tâm với nhà chồng, nhà ngoại chỉ "thoang thoảng" thôi. Rằng con dâu sống là người nhà chồng, chết là ma nhà chồng, nên phải "trung thành và tận tụy" với nhà chồng, đừng có "ăn cây táo rào cây sung". Phương tất nhiên không đồng tình với suy nghĩ ấy. Lối tư tưởng đó đã quá cổ hủ. Giờ là thời đại nào rồi, vị trí và giá trị của phụ nữ khác xưa rất nhiều. Nhưng cô đều im lặng cho yên cửa yên nhà.
Sau đó, hễ thấy Phương về ngoại chơi là bà khó chịu, có lúc còn cấm cửa thẳng mặt. Chuyện quà cáp, tính Phương không thích làm việc lén lút, giấu giếm, chưa nói cô chả thấy việc mình làm sai ở chỗ nào, nên lần nào Phương mua gì biếu bố mẹ đẻ cũng bị mẹ chồng biết và săm soi, nói này nói nọ đủ điều. Phương thấy thật lạ, những thứ cô biếu bà còn ít hay sao, mà bà luôn khó chịu mỗi khi cô dành gì đó cho người đã sinh ra cô chứ?
Lần này Phương mua chiếc xe đạp điện tặng bố nhân dịp sinh nhật ông để ông đi lại loanh quanh. Tiền của cô làm ra, cô không xin ai, không ngờ mẹ chồng lại nặng lời với cô như vậy. Nói thật, tới giờ Phương đã chán ngấy cái cảnh mình tiêu tiền mồ hôi công sức của mình nhưng lại bị người khác cấm đoán, xét nét, thậm chí xúc phạm rồi. Vợ chồng cô cưới nhau được nửa năm là ra thuê nhà ở riêng, vì chồng cô thấy mẹ mình với vợ không hòa hợp cho lắm. Từ lúc cô về làm dâu, bà đã cho vợ chồng cô được cái gì, cô sinh con cũng chẳng giúp sức, cô không hiểu bà tự cho mình cái quyền gì mà kiểm soát con dâu như vậy? Bảo cô hư láo, ăn tiêu hoang tàn, vay nợ ngập đầu hay gì đó đã đành.
"Mẹ ơi, bố mẹ con mang nặng đẻ đau sinh ra con, vất vả cực nhọc nuôi con trưởng thành, để con có ngày hôm nay. Không có bố mẹ con thì con chẳng có cơ hội học hành, có tri thức mà xin được việc làm tốt, kiếm ra tiền tự nuôi sống bản thân và cùng chồng gánh vác gia đình. Công ơn trời biển ấy con có báo đáp cả đời cũng không hết. Cũng như mẹ và bố sinh dưỡng chồng con vậy. Chúng con kết hôn, là có tứ thân phụ mẫu, chứ không phải nhị thân phụ mẫu mẹ ạ. Bố mẹ nào bọn con cũng yêu thương và báo hiếu hết lòng, vì công ơn của ai cũng ngang nhau cả", Phương nhẹ nhàng nói.
Ngừng một lát, cô sâu cay nói tiếp: "Tiền con dâu làm ra chứ nào xin hay ăn cắp ăn trộm của ai. Con thiết nghĩ, nếu nhà chồng nào mà ngăn cản con dâu mình báo hiếu bố mẹ đẻ, thì cô con dâu ấy đừng nên tin cậy, cũng không đáng để cô ấy hi sinh. Bởi, một là họ là những người không có tình nghĩa, không hiểu được ơn sinh thành, dưỡng dục to lớn thế nào, hoặc giả họ quá ích kỉ, chỉ muốn mưu lợi cho mình, muốn con dâu dành tất cả cho nhà nội. Trong trường hợp đó, cô con dâu ấy chắc sẽ bị phản bội, bị phụ công lao bất cứ lúc nào, và sẽ bị lợi dụng tới lúc cạn kiệt rồi bị đá đi mà thôi!".
Mẹ chồng Phương phải nói đơ toàn tập trước những lời con dâu thốt ra. Dù bà có tức song Phương nói có tình có lý, thậm chí mấy lời sâu cay kia bà cũng chẳng bắt bẻ nổi. Sau lần đó, chẳng biết trong lòng bà nghĩ gì, nhưng ngoài mặt bà đã bớt việc săm soi chuyện chi tiêu, mua sắm cho nhà ngoại của cô hẳn.