"Nhánh ô liu" mà Triều Tiên chìa ra cho Hàn Quốc dường như ẩn chứa một kế hoạch giúp Bình Nhưỡng có thêm một người bạn, còn Mỹ mất đi một đồng minh.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong bài phát biểu hôm 1/1. |
Xoáy sâu vào chia rẽ
Trong bài phát biểu chào năm mới hôm 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh sẽ tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa vào năm 2018, đồng thời lần đầu tiên hé mở cánh cửa gợi mở cho cuộc đàm phán trực tiếp với Hàn Quốc.
CNN mô tả đây là động thái “chìa nhánh ô liu” đầy bất ngờ của Bình Nhưỡng với Seoul.
"Thay đổi bằng cách tiếp cận hòa bình với Hàn Quốc là điều gây chú ý nhất. Chưa bao giờ Triều Tiên cho thấy họ mảy may quan tâm đến ý muốn được làm việc với Seoul trong bất kỳ vấn đề gì kể từ trước tới nay", Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy nêu quan điểm.
Tờ New York Times đánh giá, dường như nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảm nhận được rất rõ sự căng thẳng âm ỉ giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc và muốn xoáy sâu thêm sự bất đồng với đồng minh lâu năm của Mỹ bằng những tuyên bố gây chia rẽ.
Trong những tháng qua, mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Seoul đã được phơi bày một cách khá rõ ràng.
Nếu như Tổng thống Moon Jae-in không muốn làm tồi tệ thêm tình hình bằng việc gây tổn hại đến kinh tế và quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, thì ngược lại Tổng thống Trump lại tìm đủ mọi cách để siết chặt các biện pháp trừng phạt với quốc gia này.
Suốt trong khoảng thời gian nửa năm lên nắm quyền, chính quyền Kim Jong-un cũng chưa hề nhắc đến động thái tích cực nào với Tổng thống Moon Jae-in - người mà truyền thông Triều Tiên miêu tả như một đồng minh “nói gì nghe nấy” của Mỹ.
Tuy nhiên, với sự thay đổi trong thái độ và Chính sách lần này, chính quyền Kim Jong-un đang nhìn thấy cơ hội để gây chia rẽ thêm nữa giữa Mỹ và Hàn Quốc, với niềm tin lớn rằng Tổng thống Trump sẽ chẳng thể đe dọa được Bình Nhưỡng nếu không có Hàn Quốc giúp sức.
Trong một động thái có thể làm trầm trọng thêm nữa mối quan hệ đồng minh đang rạn vỡ, văn phòng Tổng thống Moon mới đây đã ra tuyên bố hoan nghênh đề xuất của Triều Tiên.
“Chúng tôi đã bày tỏ sự sẵn sàng trong việc đối thoại với Triều Tiên bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào và bất kỳ hình thức nào, miễn là cả hai bên có thể thảo luận việc khôi phục quan hệ và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, phát ngôn viên Tổng thống Hàn Quốc cho biết.
Tuyên bố nhấn mạnh vai trò của hai miền Triều Tiên trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân (không nhắc đến Mỹ) giống như một gáo nước lạnh dội vào những lời cảnh báo khắc nghiệt của Tổng thống Trump gần đây - người đã theo đuổi một cách tiếp cận cứng rắn, sẵn sàng cho chiến tranh và nói rằng “đàm phán chỉ phí thời gian”.
Triều Tiên thay đổi tính toán
Dừng lại các cuộc tập trận Mỹ-Hàn là một phần trong đề xuất "đóng băng kép". |
“Đã đến lúc Triều Tiên chuyển những lời đe dọa tấn công lục địa nước Mỹ sang một tính toán khác”, Robert Litwak – học giả chuyên về quan hệ quốc tế từ Trung tâm Woodrow Wilson nhận định. “Ông Kim nhìn thấy đây là một cơ hội hiếm hoi để đứng cùng phía với Hàn Quốc, chống lại Tổng thống Trump”.
Ngoài ra, một trong những lý do khác khiến Bình Nhưỡng muốn “ly gián” Mỹ-Hàn xuất phát từ những khó khăn thực sự của nước này khi các lệnh trừng phạt bắt đầu có tác dụng.
Trong năm qua, Triều Tiên cho thấy sự tiến bộ công nghệ vượt bậc khi có thể tấn công lục địa nước Mỹ bằng tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Mối đe dọa được coi là đủ mạnh đến mức chính quyền Trump đã ám chỉ khả năng triển khai tấn công phủ đầu như một phương sách cuối cùng.
Đứng giữa cuộc khẩu chiến bốc lửa giữa người hàng xóm và đồng minh của mình, Seoul hiểu họ sẽ là nạn nhân lớn nhất trong cuộc chiến tiềm năng này.
Là một phần trong đề nghị đàm phán, Bình Nhưỡng cho biết sẽ cử một phái đoàn vận động viên đến tham dự Thế vận hội Mùa đông ở Hàn Quốc.
Chính quyền Tổng thống Moon tin rằng Triều Tiên sẽ không gây ra điều gì xáo động thông qua việc thử tên lửa trong thời gian các vận động viên thi đấu và mong chờ đây sẽ là tín hiệu tốt để hai bên có thể ngồi lại với nhau.
Hàn Quốc không ít lần bày tỏ sự đồng ý với Trung Quốc và Nga rằng đàm phán là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Do đó, một số phân tích chỉ ra rằng, đề xuất tích cực của ông Kim hôm 1/1 có thể sẽ trở thành đòn bẩy giúp Nga và Trung Quốc đưa đề xuất “đóng băng kép” đi vào hoạt động.
Sáng kiến của Nga và Trung Quốc đã kêu gọi các bên nhượng bộ lẫn nhau. Trong đó Triều Tiên tạm ngưng các bài thử nghiệm tên lửa hạt nhân để đổi lấy các cuộc tập trận Mỹ-Hàn Quốc sẽ dừng lại.
Mặc dù phía Mỹ phản đối, Nhà Xanh vẫn cho thấy họ lưỡng lự trong đề xuất có vẻ khá hợp lý nói trên.
Canh bạc có thành công?
Tổng thống Moon Jae-in có thể đưa quan hệ Mỹ-Hàn rơi xuống vực thẳm nếu nhượng bộ Triều Tiên. |
“Sau khi không nhận được thiện chí từ người Mỹ, Triều Tiên hiện nay đang cố gắng bắt đầu cuộc đàm phán với Hàn Quốc và sau đó sử dụng nước này như một kênh trung gian để bắt đầu cuộc đối thoại với Mỹ”, Yang Moo-jin, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên nói, đồng thời đánh giá đề xuất thương lượng của Triều Tiên là một sự phát triển tích cực.
Câu hỏi lớn hiện nay là liệu canh bạc của ông Kim có thành công hay không.
Nhiều chính khách cả ở Hàn Quốc và Mỹ nói rằng, họ lo ngại cuộc đối thoại trên bán đảo Triều Tiên dù một mặt khiến tình hình giảm căng thẳng nhưng mặt khác lại khiến cho việc thi hành các biện pháp trừng phạt bị lơ là.
Tuy nhiên, đối với ông Moon, cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên sẽ cung cấp một thời gian nghỉ ngơi rất cần thiết sau một năm mà hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều khẩu chiến quá dữ dội.
Ngày càng lo lắng hơn trước nguy cơ của một cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng, tờ New York Times cho rằng, ông Moon muốn tạo ra khoảng thời gian tạm lắng trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông.
Đồng thời sử dụng sự kiện gắn kết tình cảm hai nước hiếm hoi này để “chạy đà” cho các cuộc đàm phán giữa hai nước, mà dần mở rộng hơn với sự tham gia của Mỹ, Trung Quốc và Nga, cung cấp các ưu đãi về kinh tế và ngoại giao cho Bình Nhưỡng, để đổi lại việc nước này đóng băng chương trình hạt nhân
Đáng tiếc khi điều này xảy ra, nó cũng đồng nghĩa với việc quan hệ Mỹ-Hàn rơi xuống vực thẳm.
Trong bất kỳ cuộc đàm phán nào mà phía Seoul sẵn sàng nhượng bộ lớn cho Bình Nhưỡng như nới lỏng các biện pháp trừng phạt và giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, về cơ bản đó sẽ là một hiện trạng mà ông Trump đã từng tuyên bố là không thể chấp nhận.
Quốc Vinh