Theo GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta không phải là một hủ tục mê tín dị đoan.
Đó là một tín ngưỡng văn hóa dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Theo đó, cứ đến ngày 23, 24 tháng Chạp, Táo quân lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm tốt, xấu của gia chủ trong năm. Nên khi cúng người ta hay cúng bánh mật để Táo quân ăn, khi lên báo cáo thiên đình sẽ nói những lời ngọt ngào, có lợi cho gia chủ…
Tín ngưỡng này giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lương thiện. GS Trần Lâm Biền chia sẻ: "Theo truyền thống thì lễ cúng Táo quân chỉ cần mâm cơm, chè ngọt, trầu cau, hoa quả đơn giản, không cần quá cầu kỳ...".
Tùy từng hoàn cảnh cũng như điều kiện mà các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc mặn.
Tuy nhiên, để "lấy lòng" các vị Táo quân, người dân thường chuẩn bị những lễ vật cùng mâm cỗ thịnh soạn để tiễn "họ" về trời. Những món ăn trong mâm cỗ cúng ông Táo thường là các món truyền thống giống như trong ngày Tết cùng với giấy tiền vàng mã, hia và áo mũ, cá chép giấy hoặc cá chép sống... để phóng sinh.
Việc có cúng cá rán hay không, điều này phụ thuộc vào tư duy của mỗi người vì phong tục này không có quy luật nào bắt buộc, điều quan trọng nhất vẫn là lòng thành được đặt vào trong mâm cỗ.
Thế nhưng, dù thành tâm bao nhiêu, các gia chủ cũng cần lưu ý, có một món ăn tuyệt đối không đưa lên mâm cỗ cúng ông Táo, đó chính là cá rán (hoặc món ăn được làm từ cá).
Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Song Hà cho rằng, tuyệt đối không nên cúng cá rán trong mâm cỗ cúng Táo quân bởi cá chép cúng để phóng sinh rước các cụ về. Nếu cúng cá rán sẽ mâu thuẫn về phong tục, do vậy, điều đó không nên.
Mẫu gốc của mâm cỗ cúng Táo Quân là cúng cá sống và thả cá chép xuống sông, suối sau đó để cá chép hóa rồng.
Ngoài món cá rán, gia chủ cũng không nên cúng các món thịt chó, thịt vịt, thịt chim, thịt dê, trâu, trứng vịt lộn.. vì theo quan niệm dân gian, những thịt này dù ngon nhưng nó có ý nghĩa không may mắn nếu mang cúng.
Thậm chí, ngay trước khi cúng Ông Công ông Táo, người cúng cũng không được ăn cá chép, ăn tiết canh ba ba, thịt rùa, thịt ba ba, thịt rắn, thịt chó, thịt mèo, rượu rắn, rượu cao hổ cốt... Tất nhiên là sẽ không được ăn tỏi, hành, mắm tôm, mắm tép... có mùi hôi mùi tanh ảnh hưởng đến không khí trang trọng của lễ cúng.