Tính đến thời điểm hiện tại, tình trạng mưa lũ lịch sử khắp các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Miền Trung ít nhất 52 người chết, 21 người mất tích, hơn 200.000 người dân phải di dời khẩn.
Infonet, Lao Động, Vietnamnet đã có những thông tin cập nhật về thiệt hại do mưa lũ gây ra.
(Cập nhật)
Tính đến thời điểm hiện tại, mưa lũ liên tiếp đã khiến 52 người chết.
Có 22 người mất tích. Thống kê sơ bộ đã có gần 17.000 ngôi nhà bị ngập sâu, gần 1.000 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại.
Các tỉnh như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã phải di dời hơn 14.000 hộ dân trong đó riêng ở Thanh Hóa là gần 13.000 hộ.
Tình trạng mưa lũ dồn dập cũng khiến hàng loạt tuyến đường QL qua Hòa Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An bị sạt lở và ngập sâu.
Thanh Hóa: 12 người chết, 6 người bị thương, 3 người mất tích,di dời khẩn cấp gần 16.000 dân
Dưới ảnh hưởng của mưa lũ, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12 người chết, 6 người bị thương: 3 người mất tích do mưa lũ. Trong đó, 2 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương (Lang Chánh) vẫn chưa tìm được tung tích.
Trưa ngày 12/10, mực nước sông Bưởi tại TT.Kim Tân (Thạch Thành) đã lên đến 13,5 m, vượt báo động 3 là 1,53 m. Theo dự báo trong 6 giờ tới, lũ trên sông Bưởi tại vùng hạ lưu huyện Thạch Thành sẽ đạt 13,8 m, vượt đỉnh lũ lịch sử 10 năm qua.
Hiện toàn bộ các xã Thành Kim, Thành Tiến, Thành An, Thành Thọ, Thành Mỹ… đã bị cô lập hoàn toàn. Nhà chức trách phát lệnh sơ tán khẩn cấp hàng nghìn hộ dân từ suốt đêm qua đến sáng nay.
Có khoảng 3.800 hộ dân với gần 16.000 nhân khẩu cùng nhiều tài sản đang được xuồng máy, canô, máy kéo và ôtô tải của công an, quân đội vận chuyển đến nơi cao ráo.
BVĐK Thạch Thành cũng phải di chuyển 218 bệnh nhân đến nơi an toàn.
Lực lượng chức năng khắc phục sự cố đê ở Thanh Hóa. Ảnh: Vietnamnet |
Trước những diễn biến phức tạp về mưa lũ, tối ngày 11/10, Thanh Hóa đã triệu tập cuộc họp khẩn để triển khai các giải pháp ứng phó.
Trong cuộc họp, vấn đề được quan tâm nhất là công tác di dân. Hiện Thanh Hóa đã có gần 12.600 hộ dân được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, sau khi nghe báo cáo, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến phê bình công tác di dân vẫn chưa thực hiện tốt.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu công tác trực, gác đê cần được tập trung cao độ, tránh không để xảy ra sự cố đê. Các ngành y tế chuẩn bị phương án để sau khi nước rút, hỗ trợ người dân công tác phòng ngừa dịch bệnh.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới cùng với mưa to nên nước lồng vào khu vực đê bị sói mòn gây nên tình trạng rò rỉ.
Sau khi phát hiện sự việc, UBND huyện Thọ Xuân cùng hàng trăm chiến sĩ bộ đội tập trung khắc phục, gia cố cơ bản đã xong.
Chánh căn phòng Huyện ủy Thọ Xuân Vũ Mạnh Hà xác nhận không phải vỡ đê. Đầu giờ sáng nay, trên địa bàn xã Thọ Minh đang xây dựng trạm bơm tiêu quang hoa.
Hòa Bình: 23 người chết, 13 người mất tích
Đầu giờ chiều ngày 12/10, lực lượng chức năng đã tìm được thi thể thứ 9 bị vùi lấp do sạt lở nghiêm trọng tại xóm Khanh, xã Phú Cường, Tân Lạc.
Tiến hành thị sát tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là khu vực dễ sạt lở nên chính quyền và nhân dân không được chủ quan.
Thủ tướng cũng đề nghị lực lượng cứu hộ khẩn trương rà soát điểm sạt lở để đưa nạn nhân còn mắc kẹt ra khỏi hiện trường.
Phó thủ tướng cũng đã đến phúng viếng gia đình nạn nhân và động viên lực lượng cứu hộ.
Hình ảnh tan hoang ở huyện Đà Bắc (Hòa Bình). Ảnh: Vietnamnet |
Vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra vào 1h10 phút sáng ngày 12/10 tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình đã khiến 19 người trong 4 gia đình bị vùi lấp.
Khu vực sạt lở được phong tỏa để tiến hành tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp. Ảnh: Lao Động |
Sáng nay, lực lượng chức năng đã cứu được 3 người còn sống và đưa 9 thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
Thống kê ban đầu tại Hòa Bình đã có 14 người chết và mất tích.
Riêng huyện Đà Bắc đã có 3 người chết và 7 người mất tích. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng chỉ tiếp cận được 4/20 xã, 3 hồ đập có nguy cơ vỡ ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân của nhiều tỉnh.
Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Nguyễn Đức Dũng cho biết: "Hiện tại còn 16/20 xã chưa thể có thông tin liên lạc, các trạm viễn thông đều không hoạt động do xăng không thể chuyển vào. Chúng tôi đang nỗ lực để nối lại thông tin ở các địa phương này".
Ông Dũng cũng lo lắng "Lo ngại nhất là tình trạng báo động ở 3 hồ đập lớn trong huyện, đêm qua đã sơ tán 80 hộ dân ở hồ Tráu, vì hồ này đã xuất hiện vết nứt nguy cơ vỡ rất cao. Các hộ dân ở hồ thị trấn đã được thông báo chuẩn bị quân tư trang khi có báo động sẽ được sơ tán".
Ninh Bình: Vỡ đê Gia Viễn, di dời khẩn người dân
Đoạn đê Hoàng Long bị vỡ. Ảnh: Vietnamnet |
Lực lượng chức năng tại huyện Gia Viễn xác nhận, đê Hoàng Long (gần trạm bơm Gia Viễn) đã bị vỡ vào lúc 10h20 phút trưa nay do nước dâng cao. Đoạn đê dài 3m đã bị nước cuốn trôi.
Trước tình hình trên, huyện đã điều động các lực lượng chức năng dùng bao đựng đất để gia cố chân đê. Đồng thời yêu cầu trạm bơm đóng cửa xả tràn để giảm bớt lượng chảy qua khu vực vỡ đê.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát chỉ đạo ứng phó mưa lũ tại Ninh Bình. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Trong một diễn biến mới nhất được đăng tải trên Tri thức trực tuyến cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc làm việc tại Hải Phòng để về Ninh Bình chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều.
Tại đây, Thủ tướng đã nghe lãnh đạo Ninh Bình báo cáo về công tác phòng chống lũ, phương án ứng phó với các tình huống xảy ra.
Thủ tướng đã đi cano trên sông Hoàng Long để thị sát tình hình lũ.
Đánh giá cao việc tỉnh khẩn trương tiến hành di dân, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bảo đảm an toàn tối đa cho người dân.
Mực nước sáng nay trên sông Đáy và sông Hoàng Long dâng cao bất thường và đạt đỉnh điểm tính từ năm 1985 trở lại đây.
Vào lúc 0h ngày 12/10, mực nước đo được trên sông tại khu vực này là 5,3m, đến 7h sáng đã dâng lên 5,5m và đang tiếp tục dâng lên.
Hiện tỉnh Ninh Bình đang lên kế hoạch di dời 20 vạn dân, lệnh di dân ra khỏi vùng nguy hiểm đã được phát đi, sẵn sàng xả lũ để cứu đê.
Cơ quan chức năng tại Ninh Bình đang tiến hành điều máy móc, nhân lực để be bờ và gia cố các đoạn xung yếu.
Yên Bái: 4 người chết, 11 người mất tích, lũ lên mức BĐ3
Lực lượng đoàn viên thanh niên giúp dân di dời tài sản và dọn dẹp hiện trường cơn lũ ở Yên Bái. Ảnh: Tiền Phong |
Chủ tịch tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết tính đến 7h30 phút sáng nay, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu Thia.
Theo đó, đêm qua trên địa bàn vẫn mưa, nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống khá cao nên tại 1 số vị trí an toàn hơn, lực lượng cứu hộ được bố trí quan sát từ trên bờ suối tìm kiếm các nạn nhân mà chưa triển khai tìm kiếm dưới lòng suối.
Hiện lực lượng cứu hộ, cứu nạn mở rộng địa điểm, khu vực tìm kiếm dưới khu vực Thủy điện Văn Chấn, cầu tràn An Lương, Đồng Sụng, theo dòng chảy suối Thia.
Ông Duy cũng cho biết thêm, đêm qua và rạng sáng nay, đường tỉnh 174 đi Trạm Tấu tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sạt lở mới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, phía Tây của tỉnh Yên Bái bị mưa nhiều nên xảy ra tình trạng lũ quét khiến 3 người chết, 11 người mất tích và 7 người bị thương.
Sáng ngày 11/10, tình trạng lũ dâng cao đã cuốn trôi nhiều nhà cửa và tài sản của các hộ dân xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn, Yên Bái. 31 người có nhà nằm giữa hai dòng suối đã bị lũ cô lập.
Chiều cùng ngày, hơn 50 người gồm quân đội, công an và dân quân tự vệ đã đưa những người mắc kẹt về nơi an toàn.
Hồng Hạnh (tổng hợp)