Các quan chức Hoa Kỳ đang làm hết sức mình để bỏ qua những lời lẽ thù địch từ tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và cảm thấy thoải mái với thực tế là ông ấy vẫn chưa thực hiện những tuyên bố về việc hạn chế hợp tác quân sự với Mỹ.
Mỹ đang cố "nhịn" Dutertes. Ảnh: Reuters |
Hoa Kỳ đang cố gắng không để cho vị tổng thống mới trở thành cái cớ cho sự bùng phát thêm căng thẳng tại thời điểm mà hợp tác quân sự và các hợp tác khác đang ở mức thấp, các quan chức Mỹ cho biết hôm thứ Hai.
Những "sứt mẻ" với Manila sẽ tạo ra những vấn đề trong một khu vực mà Trung Quốc đã và đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, đó là lí do cho đến hiện tại không có cuộc thảo luận nghiêm túc nào về các bước trừng phạt như cắt viện trợ cho Philippines, theo hai quan chức Mỹ.
Lo lắng sẽ khơi gợi tư tưởng chống thực dân, mặc dù các ước tính có khoảng 3 triệu người gốc Philippines đang sinh sống tại Hoa Kỳ, các viên chức Hoa Kỳ vẫn không muốn nói hay làm bất cứ điều gì có thể kích động Duterte biến lời nói của mình thành hiện thực.
"Ông ấy giống như ông Trump," một quan chức cao cấp của khu vực Đông Nam Á cho biết, đề cập đến ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. "Ông ấy khao khát sự chú ý, và hơn thế nữa, ông ấy sẽ trở lên thái quá hơn nữa. Do đó, khôn ngoan nhất là cứ ngó lơ ông ta."
Khi được một phóng viên hỏi về phản ứng với nhận xét đó, phát ngôn viên của tổng thống Ernesto Abella cho biết: "Đó là ý kiến của họ."
Trong tháng trước, Duterte đã gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama là "thằng khốn" (son of bitch) khiến người đứng đầu Nhà Trắng hủy bỏ một cuộc họp với Duterte theo kế hoạch.
Ông cũng xuất hiện để sánh mình với Hitler và nói ông sẽ "hạnh phúc" nếu được giết 3 triệu người sử dụng và buôn bán ma túy trong nước. Sau đó ông đã xin lỗi cộng đồng Do Thái vì đã khơi gợi thảm họa diệt chủng. Duterte cũng nói rằng ông bị người ta chỉ trích cứ như ông là một trong những thủ lĩnh của Phát-xít vậy.
Trong tuyên bố mới nhất của mình, Duterte hôm qua cho biết ông nhận được cam kết hỗ trợ của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và từ một quan chức giấu tên của Trung Quốc sau khi ông phàn nàn về sự ngược đãi của Washington.
Trong khi Duterte đã công khai đề nghị ông sẽ kết thúc các hoạt động tập trận quân sự chung, đề nghị các lực lượng Hoa Kỳ rút khỏi miền nam Philippines, và xem xét lại một hiệp ước quốc phòng đã ký hai năm trước đây, các quan chức Mỹ nhấn mạnh chưa có điều gì trong số này xảy ra.
Tất cả chỉ là hăm dọa
Các quan chức quân sự Mỹ cho biết họ đã nhận thức rõ những ý kiến Duterte, nhưng các đối tác của họ ở Philippines đã trấn an họ rằng mọi việc vẫn tiếp tục như bình thường.
Duterte chỉ đang "hăm dọa" Mỹ? Ảnh: Sputnik |
"Không ai thực sự là mất ngủ vì nó", một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ giấu tên cho biết.
"Tất cả chỉ là hăm dọa", một quan chức quốc phòng thứ hai, nói rằng những nhận xét của Duterte "chẳng tạo được vết gợn nào trong thế giới của chúng ta."
Có khoảng 100 binh sĩ Hoa Kỳ ở thành phố Zamboanga ở miền Nam, một phát ngôn viên quân đội Philippines cho biết, thấp hơn nhiều so với con số dự tính 1.200 binh lính Hoa Kỳ bước đầu triển khai để giúp đào tạo và tư vấn cho quân đội địa phương chiến đấu chống lại Abu Sayyaf Group, một nhóm chiến binh Hồi giáo.
Phát ngôn viên quân đội Philippines cho biết ông không biết về bất kỳ kế hoạch nào về việc đề nghị Mỹ rút quân.
Khác với giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng 1942-1945 , Hoa Kỳ đã cai trị Philippines từ năm 1898, khi nước này mua lại chuỗi đảo này từ Tây Ban Nha, cho đến khi Mỹ công nhận độc lập của Philippines vào năm 1946.
Hai nước đã ký kết một hiệp ước phòng thủ chung năm 1951, nhưng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ của họ giảm đi cách đây một phần tư thế kỷ, khi Philippines đuổi các lực lượng Hoa Kỳ ra khỏi hai căn cứ quân sự lớn, bao gồm cả các căn cứ hải quân Subic Bay.
Hợp tác tăng cường
Hai năm trước đây, hai nước đã ký Hiệp định Hợp tác Quốc phòng nâng cao (EDCA), cho phép quân đội Hoa Kỳ xây dựng các cơ sở đồn chú cho các công tác an ninh hàng hải và các hoạt động nhân đạo,khắc phục thảm họa trên lãnh thổ Philippines.
Theo thỏa thuận, hai máy bay vận tải C-130 và 100 quân nhân Hoa Kỳ đã có mặt tại một căn cứ không quân ở Philippines kể từ ngày 25/9. Vào ngày thứ ba, hai nước đã phát động PHILBEX, một cuộc tập trận trung kéo dài 8 ngày.
Mỹ-Phil vấn tiến hàn tập trận lần thứ 33. Ảnh: Reuters |
Gary Ross, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết EDCA là một thỏa thuận quốc tế, do đó Hoa Kỳ và Philippines đang bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế. Trích dẫn các văn bản của thỏa thuận, Ross nói thời hạn ban đầu của bản thỏa thuận là 10 năm, sau đó hai bên có thể kết thúc với thông báo bằng văn bản trong một năm sau đó.
Các thuộc địa trước đây là một yếu tố quan trọng trong chính sách của chính quyền Obama về Chính sách đối ngoại "tái cân bằng" của mình nhằm hướng tới châu Á, và Mỹ cùng Phlippines đã bắt đầu tuần tra chung ở Biển Đông khi Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý trên vùng biển này.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích biển Đông, nơi được cho là giàu dầu mỏ và khí đốt, tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc chồng lấn với chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan.
Các quan chức Hoa Kỳ đang bị xáo trộn bởi thực tế rằng hơn 3.100 người đã thiệt mạng kể từ khi Duterte nhậm chức ba tháng trước và phát động một cuộc chiến tranh ma túy. Nhưng trên hết, họ coi trọng quan hệ quân sự lâu dài của hai đất nước.
"Đôi khi bạn phải "bịt mũi" của bạn đối với các cá nhân để thực hiện những hợp tác với các nước. Hoa Kỳ không có lợi ích nào trong việc đối đầu với Philippines, vì vậy chúng ta phải tìm một cách để đối phó với nhà lãnh đạo cực kỳ khó chịu này trong khi vẫn phải truyền đạt thông điệp rằng chúng ta đối lập với chính sách nhân quyền của ông ấy, "Frank Jannuzi, một cựu chuyên gia đối ngoại của Ủy ban Châu Á của Thượng Viện , giờ đang làm việc tại Maureen & Mike Mansfield Foundation nói.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã truyền đạt những mối quan tâm của họ trong các cuộc trò chuyện lặp đi lặp lại với Đại sứ quán Philippines, nơi mà các nhà ngoại giao đang bị giằng xé giữa trách nhiệm đại diện cho chính phủ Duterte và mối quan tâm của họ về những gì Duterte đã nói.
Hoa Kỳ đã gửi cho Philippines hàng trăm triệu đô la trong các viện trợ nước ngoài, viện trợ quân sự, viện trợ phát triển trong những năm gần đây. Philippines trở thành nước nhận viện trợ quân sự lớn thứ 3 của Hoa Kỳ tại châu Á, chỉ sau Afghanistan và Pakistan.
Hai thượng nghị sĩ có ảnh hưởng, Ben Cardin, đảng Dân chủ, là nhân vật hàng đầu của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, và Patrick Leahy, đảng Dân chủ, quan chức hàng đầu của tiểu ban xử lý viện trợ nước ngoài, cho biết Quốc hội sẽ lưu ý đến các quyết sách của Duterte khi quyết định viện trợ cho năm tài chính hiện hành.
Một viên chức Hoa Kỳ nói rằng trong khi chính quyền Obama hiện đang lo ngại về Duterte bởi những lời hăm dọa công khai. Nhưng việc ngưng hợp tác với Philippines cũng sẽ chẳng gây ra được hậu quả nào quá lớn về quân sự hay chính trị bởi vì Hoa Kỳ có những lựa chọn thay thế.
Vị quan chức này, với điều kiện giấu tên, cho biết những sự lựa chọn khác bao gồm các Trung tâm Hải quân khu vực Singapore, các cơ sở đào tạo tại Brunei, và khả năng hợp tác sâu rộng với hải quân Việt Nam.
Quý Vũ (Reuters)