Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tuyên bố Hoa Kỳ sẽ phản đối bất kỳ thỏa thuận nào giữa Trung Quốc và các nước khác gây cản trở hoạt động lưu thông quốc tế ở Biển Đông.
Theo Wall Street Journal (WSJ), lời phát biểu của ông Bolton là nhằm cảnh báo các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, quốc gia hiện đang đàm phán với Trung Quốc về việc cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Trong các cuộc thảo luận về việc xây dựng quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Trung Quốc đã cố gắng giành quyền phủ quyết đối với việc các quốc gia Đông Nam Á tổ chức các cuộc tập trận quân sự với các nước khác trong vùng biển tranh chấp, theo WSJ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. (Ảnh: Internet) |
Thỏa thuận như vậy có khả năng hạn chế sự tương tác giữa Hoa Kỳ với các nước như Thái Lan, Việt Nam và Philippines, tờ báo Mỹ bình luận. Bắc Kinh cũng kêu gọi các nước láng giềng phía nam phát triển nguồn lực của khu vực chỉ với các nước khác trong khu vực, theo những người quen thuộc với dự thảo COC.
Khác với thời Obama hạn chế xuất hiện ở Biển Đông để tránh căng thẳng với Trung Quốc, thậm chí không cho hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông từ năm 2012-2015, chiến lược của chính quyền Trump là hiện diện thường xuyên ở Biển Đông, thông qua đó đảm bảo được những tuyến hàng hải, hàng không tự do trong khu vực.
Business Insider bình luận rằng đó là một thành công của chính quyền Tổng thống Trump đối với Trung Quốc ở Biển Đông. “Hoa Kỳ đã chọn việc đi tàu và lái máy bay qua khu vực này với tần suất cao đến mức khiến điều đó không còn là việc gì bất thường nữa, như vậy có nghĩa là họ đã chiến thắng trong một trận chiến giành quyền lưu thông trên Biển Đông mà không cần một viên đạn nào”, Business Insider viết trong bài báo ngày 25/9/2018.
Tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ (Ảnh: Military) |
Ông Bolton hôm thứ Ba (13/11) cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ như trên với tốc độ nhanh hơn, đồng thời tăng chi tiêu quân sự và mức độ tương tác với các nước khác trong khu vực để củng cố vị thế của mình.
WSJ bình luận rằng một số nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á đã lựa chọn tương tác với Bắc Kinh, hy vọng rằng hợp tác với Trung Quốc sẽ mang lại một số lợi ích kinh tế. Trong số đó có Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines, người được dự kiến sẽ chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Manila vào tuần tới. Hiện chưa rõ hai nhà lãnh đạo có công bố kết luận về thỏa thuận thăm dò tài nguyên giữa hai nước ở Biển Đông hay không.
Người đứng đầu chính phủ của 10 quốc gia Đông Nam Á sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm ở Singapore trong tuần này, với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo từ tám quốc gia khác, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence.
Trang Vũ (Tổng hợp)