Kho vũ khí ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp ước Vũ khí hạt nhân trong thời Chiến tranh lạnh năm 1987 với Nga (INF).
Do không bị ràng buộc bởi hiệp ước vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã xây dựng và triển khai một kho vũ khí tên lửa tinh vi và hiện đại, có thể nhắm vào các tài sản quân sự của Mỹ và liên minh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm các tàu sân bay và căn cứ không quân, theo SCMP.
Xe quân sự chở tên lửa hạt nhân và quy ước tại cuộc diễu binh kỷ niệm 90 năm thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. |
Một trong những tên lửa đạn đạo liên lục địa Trung Quốc đang phát triển là DF-41, và toàn bộ nước Mỹ có thể nằm trong phạm vi của nó. Trong khi các vũ khí hiện đại khác như máy bay siêu âm và súng laser sẽ càng là mối đe dọa cho Mỹ nếu có xung đột quân sự giữa hai bên.
Ông Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết việc khôi phục các tên lửa tầm trung là cần thiết cho Hoa Kỳ, không chỉ dùng cho các cuộc tấn công hạt nhân mà còn cả những hoạt động thông thường.
Tổng thống Trump nói việc rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí là mối đe dọa cho Trung Quốc, Nga và “bất kỳ ai muốn chơi trò chơi đó” và Mỹ sẽ xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Adam Ni, một nhà nghiên cứu về Chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc, nói rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến cán cân quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặc biệt nếu xung đột nổ ra.
Ảnh minh họa |
“Mỹ hiện có khả năng tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc thông qua các cuộc không kích và các hệ thống tên lửa trên biển. Việc triển khai tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung trên mặt đất, chẳng hạn như Nhật Bản sẽ thêm vào khả năng của Mỹ trong khu vực và làm xói mòn lợi thế của Trung Quốc, vốn đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ”, ông Ni nói.
Ủy ban châu Âu kêu gọi Hoa Kỳ và Nga nên tiếp tục đàm phán để bảo tồn hiệp ước, Bắc Kinh cũng kêu gọi Washington “hãy suy nghĩ lại”.
Nhưng ông Liu Weidong, một chuyên gia về vấn đề của Mỹ từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Mỹ có thể không bắt đầu xây dựng các tên lửa tầm ngắn và tầm trung ngay cả khi rút khỏi hiệp ước, vì một chương trình như vậy sẽ tốn kém.
Trang Vũ (tổng hợp)