Vào ngày 12/6 tới đây, trụ sở mới của Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) với tổng chi phí xây dựng 250 triệu USD sẽ chính thức được khánh thành.
Theo The New York Times (NYT-Mỹ), tòa văn phòng này chỉ giống như trung tâm nghiên cứu của một trường đại học nhưng được thiết kế một cánh cổng lớn canh gác nghiêm ngặt và một bức tường bao chống nổ.
"Viện Mỹ ở không phải là Đại sứ quán Mỹ danh chính ngôn thuận nhưng trong bối cảnh các nước dần cắt đứt quan hệ với Đài Bắc thì trụ sở mới của Viện Mỹ - được xây dựng dưới chân đồi chính là bước cải thiện đáng kể trong quan hệ Trung-Đài", NYT nhận định.
Theo báo Mỹ, tòa văn phòng mới tọa lạc trên mảnh đất rộng 16 mẫu Anh sẽ mang lại sức hấp dẫn về tầm nhìn và mỹ quan lớn hơn trong quan hệ không chính thức Trung-Đài - mối quan hệ vốn bị Bắc Kinh kịch liệt phản đối.
Tăng cường quan hệ
Một phần nguyên nhân dẫn tới sự tăng cường quan hệ này được cho xuất phát từ những Chính sách của chính phủ Tổng thống Donald Trump. Ví dụ, sau khi đắc cử, Tổng thống Trump đã nhận điện thoại chúc mừng từ người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn hay ông đã liên tiếp bổ nhiệm những nhân vật có đường lối ôn hòa với Đài Loan như Mike Pompeo, John Bolton vào các vị trí quan trọng.
Đặc biệt, tháng 3 năm nay, ông chủ Nhà Trắng đã ký Dự luật lữ hành Đài Loan, cho phép Đài Bắc và Washington tích cực trao đổi các chuyến thăm viếng cấp cao.
Nhiều ý kiến dự đoán, trong lễ khánh thành Viện Mỹ ở Đài Loan, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton có thể tới tham dự. Nếu dự đoán này trở thành hiện thực, ông Bolton sẽ trở thành một trong những quan chức Mỹ cấp cao nhất tới thăm Đài Loan kể từ sau khi Nhà Trắng bỏ sự công nhận mối quan hệ ngoại giao với đảo này vào năm 1979.
Tuy nhiên, để ngăn chặn mối quan hệ giữa Đài Bắc và Washington, Bắc Kinh gần đây thường xuyên đưa ra các cảnh cáo mạnh mẽ như sẽ sử dụng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập hay đưa máy bay ném bom H-6K và tàu sân bay Liêu Ninh tuần tra quanh đảo.
Trong khi đó theo NYT, Đài Loan lại đang cố gắng tăng cường mức thân thiết với Mỹ dựa trên nền tảng quan hệ lịch sử sâu sắc trước đây, khi trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, "Washington đã cử quân tới đồn trú để bảo vệ Đài Loan và từng công nhận chính phủ của Tưởng Giới Thạch là hợp pháp" - một động thái đã kéo dài tận 30 năm.
Sau này, tuy chấm dứt "quan hệ ngoại giao" với Đài Loan để bắt tay với Bắc Kinh nhưng Washington vẫn thông qua Đạo luật quan hệ với Đài Loan - một hành động được coi "chống lưng" cho chính quyền Đài Bắc.
Bà Thái Anh Văn gọi điện chúc mừng ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Ảnh: Văn phòng chính quyền Đài Loan
"Mặc dù Mỹ đóng cửa đại sứ quán chính thức ở Đài Bắc nhưng vẫn duy trì quan hệ không chính thức thông qua AIT. Trụ sở chính của AIT ở Virginia chứ không phải Washington. Với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận nhưng chức năng lại tương tự như đại sứ quán nên tại văn phòng ở Đài Loan, các quan chức ngoại giao Mỹ vẫn có thể cấp visa và thực hiện hầu hết các chức năng của cơ quan ngoại giao thông thường", NYT chỉ rõ.
Văn phòng AIT Đài Bắc có khoảng 450 nhà ngoại giao và nhân viên bản địa, bằng nửa số nhân viên của đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh.
Mặc dù được tổ chức trùng với hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 12/6 nhưng truyền thông Mỹ cho rằng, ở Đài Loan, buổi lễ khánh thành trụ sở AIT vẫn được coi là sự kiện quan trọng với sự tham dự của bà Thái Anh Văn và đại diện Mỹ.
"Nhất định sẽ có người bạn tốt của Đài Loan đến từ Washington", người đứng đầu trụ sở AIT Kin Moy hồ hởi nói, "Các anh sẽ nhận ra vài người bạn tốt này".
Đối với Đài Loan, đại diện cấp cao Mỹ tới Đài Bắc mang ý nghĩa tượng trưng vô cùng quan trọng khi gần đây một loạt đồng minh chấm dứt quan hệ với đảo này.
"Bất kể ai đến tham dự, Đài Loan sẽ cố gắng cho thấy đảo này là đối tác đáng tin cậy, dân chủ và không thể thiếu của Mỹ ở khu vực Đông Á", NYT nhận định.
"Đài Loan đang đối mặt với áp lực quân sự không ngừng gia tăng và nỗ lực thu hẹp ảnh hưởng quốc tế từ Trung Quốc nên trụ sở Viện Mỹ mới phát đi thông điệp quan trọng vào thời điểm này: Mỹ vẫn dành sự quan tâm rất lớn tới đảo này", Tiffany Ma, người đứng đầu Công ty Tư vấn đầu tư BowerGroupAsia (Mỹ) nhận định.
Văn phòng mới này cũng có thể mang đến những thách thức cho Washington trong việc cân bằng ngoại giao giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Trước đó, trong cuộc họp báo hồi tháng 5, một nội dung đã được đưa ra là liệu Mỹ có cử một đơn vị lính thủy đánh bộ tới bảo vệ Viện Mỹ ở Đài Loan hay không bởi các Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ trên thế giới đều được bảo vệ bởi lực lượng này.
Ông Kin Moy khi đó đã bác bỏ nội dung này, tuy nhiên người tiền nhiệm của ông là Stephen M. Young từng tiết lộ, theo kế hoạch ban đầu, đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ được cử tới Đài Loan, thậm chí họ có thể xây dựng một doanh trại ở đảo này.
Ông này cho rằng, có thể kế hoạch đã thay đổi sau khi ông rời văn phòng ở Đài Loan vào năm 2010.
Nhưng theo truyền thông Mỹ, sự hiện diện của Washington đã có thể nhận thấy ở khu vực Neihu - nơi có trụ sở mới của Viện Mỹ. Sau giờ làm việc, các nhà thầu Mỹ trong trang phục quần áo yếm, đội mũ bóng chày tập trung uống bia trước các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven - cửa hàng cách Viện Mỹ mới không xa.
Giá bất động sản địa phương cũng đang tăng lên và một đồn cảnh sát mới được xây dựng đối diện với trụ sở AIT.
Ông Parsley Bistro, chủ quán rượu gần đó mô tả mối quan hệ Mỹ-Đài "vừa đơn giản vừa phức tạp". Ông nói, trụ sở mới sẽ giúp Đài Loan tăng cường sự tự tin, không chỉ trong mối quan hệ Đài-Mỹ mà còn trước áp lực đối đầu với Bắc Kinh.
"Tất nhiên Mỹ là người bạn tốt của Đài Loan", ông này nói, thậm chí trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gây áp lực với Đài Bắc, "Họ vui là được".
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tại Đối thoại Shangri-La ngày 2/6, vấn đề Đài Loan cũng được đặt lên bàn thảo luận.
Trong khi đại diện Trung Quốc Hà Lôi chỉ trích việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và phản đối việc tăng cường quan hệ phi chính thức Mỹ-Đài dưới mọi hình thức thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định, Washington vẫn cam kết cung cấp trang thiết bị quốc phòng cho Đài Loan, dựa theo điều khoản từ Đạo luật Quan hệ với Đài Loan.
Ông Triệu Tiểu Trác, chuyên gia Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc cho rằng, phát biểu của ông Hà Lôi cho thấy quân đội Trung Quốc ngày càng tiến gần hơn tới hành động quân sự nếu Washington tiếp tục ủng hộ đảo này.
Cựu lãnh đạo cơ quan quốc phòng Đài Loan Andrew Yang thì hy vọng, Mỹ sẽ hành xử cẩn trọng trong vấn đề Đài Loan để tránh nguy cơ khiêu khích Trung Quốc sử dụng biện pháp quân sự.