Tờ Ibtimes ngày 23/9 đưa tin, 12 máy bay A-10 và 300 phi công của Mỹ sẽ đến Trung Đông đầu tháng 10 tới và nhiều khả năng, các "lão tướng" suýt ra "bãi phế liệu" có thể sẽ tham chiến nhằm tiêu diệt nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Hôm 23/9, Mỹ và các nước đồng minh Ả Rập đã bắt đầu chiến dịch ném bom các mục tiêu IS tại Syria với những vũ khí tối tân như chiến đấu cơ, tên lửa hành trình Tomahawk...
Ngoài ra, Washington cũng cho biết sẽ điều 12 trong tổng số 21 máy bay cường kích A-10 Thunderbolt (Thần Sấm A-10) cùng 300 phi công tại căn cứ Fort Wayne đến Trung Đông vào đầu tháng 10 tới. Nếu tình hình IS có biến động, các chiến đấu cơ A-10 cũng sẽ tham chiến.
Đợt triển khai kéo dài 6 tháng này không hẳn là một phần trong chiến dịch không kích của Tổng thống Obama nhằm vào IS ở Iraq và Syria nhưng các phi công cùng máy bay của họ có thể yểm trợ trên không cho lực lượng giao chiến với IS trên mặt đất.
12 trong tổng số 21 máy bay cường kích A-10 Thunderbolt sẽ đến Trung Đông vào đầu tháng 10 tới
Trung úy Christopher Myers, sĩ quan phụ trách các vấn đề chung cho Không đoàn máy bay chiến đấu 122, đơn vị được giao nhiệm vụ lần này cho biết: “Đợt triển khai này đã được chuẩn bị trong hơn 1 năm, vì vậy, nó không thực sự liên quan tới tình hình hiện nay, tuy nhiên giờ đây, khi họ tới đó, còn phải chờ xem tình hình sẽ thế nào. Nhưng chúng tôi luôn đóng vai trò hỗ trợ”.
A-10 Thunderbolt là loại máy bay đầu tiên được quân đội Mỹ thiết kế riêng cho nhiệm vụ yểm trợ cận chiến trên không và tấn công mặt đất. Vì vậy, A-10 thường xuyên hoạt động tầm thấp. Do đó, A-10 được thiết kế có thể chịu được hư hại gấp 10 lần các máy bay khác trong các tình huống bị tấn công bởi hỏa lực phòng không của đối phương.
“Thần sấm” A-10 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 5/1972 và hiện không còn được sản xuất nhưng cho đến nay, nó vẫn được đánh giá là loại chiến đấu cơ đã cứu mạng nhiều lính Mỹ hơn bất cứ máy bay nào khác nhờ khả năng tấn công và yểm trợ hiệu quả. Bộ binh Mỹ thường gọi A-10 bằng tên lóng là "Warhog" hay "Hog" (Lợn lòi).
A-10 Thunderbolt có hình thù xấu xí nhưng có thể chịu đựng những tổn thất ghê gớm trong khi vẫn chiếm lĩnh bầu trời. Buồng lái được trang bị lớp giáp titan dày từ 12,7mm đến 38,1mm, chịu được đạn phòng không 23 ly
Ngoài ra, A-10 còn có ưu thế nhất định so với việc dùng vũ khí chính xác, hỏa lực từ dại liên 7 nòng 30mm của A-10 có thể được dùng để tấn công khi đối phương đang ở rất gần đồng đội, trong khi các loại bom thông minh không thể thả được ở khoảng cách quá gần.
A-10 vốn được Mỹ chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh với mục đích đối phó lực lượng lục quân của Liên Xô ở châu Âu, đặc biệt là các loại xe tăng. Một cuộc chiến với Liên Xô trên thực tế đã không xảy ra, song A-10 đã trở thành loại máy bay chiến đấu nguy hiểm bậc nhất trong các cuộc chiến sau đó, như thời kỳ đầu của cuộc chiến ở Kuwait năm 1991, và các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq.
Hai năm trước, Không quân Mỹ tuyên bố sẽ loại khỏi biên chế 102 chiếc A-10 và chỉ để lại 243 chiếc. Tuy nhiên, Washington cũng đang đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa A-10 lên phiên bản A-10C. Những chiếc A-10 nâng cấp theo kế hoạch sẽ phục vụ tới năm 2028 với nhiệm vụ thực hiện các đòn tấn công chính xác cao. Như vậy, phần lớn những chiếc A-10C của Mỹ đều có thời hạn phục vụ trên 40 năm với hơn 16.000 giờ bay.
Yên Yên (Tổng hợp)
Theo Người đưa tin