Trong 20 năm qua, để trừng phạt các Chính sách liên quan đến hạt nhân của Iran, Mỹ đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này. Mới đây, Tổng thống Mỹ đã ký một sắc lệnh thu hồi "vòng kim cô" đối với Iran.
Hôm nay, báo chí quốc tế đồng loạt đưa thông tin về sự kiện này như một dấu mốc trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng trong nhiều thập niên qua. Việc Mỹ tháo dỡ lệnh lệnh cấm vận với nước cộng hoà Hồi giáo này có tác động trực tiếp đến các quốc gia trên thế giới.
Cột mốc này đồng nghĩa với việc Iran sẽ có thể lại bán dầu tại thị trường quốc tế và các ngân hàng nước này sẽ có thể kết nối với hệ thống toàn cầu.
Bà Federica Mogherini, Cao uỷ Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm qua phát biểu trong cuộc họp báo tại toà nhà Liên Hợp Quốc ở Vienna, Áo. Ảnh: Reuters |
Theo tờ Gulf News dẫn lời bà Federica Mogherini, Cao uỷ Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách An ninh và Đối ngoại, đại diện cho 6 cường quốc, nói kết quả là "các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính đa phương và của từng nước liên quan đến chương trình hạt nhân Iran đã được dỡ bỏ".
Mỹ, về phần mình, hôm qua cũng thực hiện chính sách theo thoả thuận hạt nhân Iran, dỡ bỏ một loạt lệnh trừng phạt với Tehran từng nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân nước này.
Tờ AP cũng đưa tin, sắc lệnh thu hồi các lệnh trừng phạt được ông Obama ký ngày 16/1 theo giờ Washington sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố Tehran đã thực hiện toàn bộ các điều khoản được quy định trong thỏa thuận hồi tháng 7/2015 giữa nhà nước Cộng hòa Hồi giáo với nhóm P5+1.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Iran Javad Zarif (phải) tại Vienna, Áo, ngày 16/1. Ảnh: AFP |
Theo thỏa thuận, Tehran đã cắt giảm hai phần ba số máy ly tâm uranium, giảm kho dự trữ uranium đã làm giàu, vốn đủ để chế tạo nhiều quả bom H đồng thời loại bỏ lõi của các lò phản ứng Arak, vốn có khả năng sản xuất plutonium, ở cấp độ vũ khí. Trước đó, phía Iran luôn phủ nhận tham vọng theo đuổi chương trình hạt nhân đồng thời khẳng định việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân chỉ phục vụ các mục đích hòa bình.
Việc tổng thống Mỹ ký lệnh xóa bỏ các biện pháp trừng phạt với Iran giúp Tehran dỡ bỏ được phong tỏa tài sản của chính phủ trong hệ thống tài chính quốc tế. Theo ước tính, Tehran sẽ nhận lại số tiền từ 50 tới 150 tỷ USD đang bị phong tỏa.
Bộ Tài chính Mỹ cũng cấp giấy phép cho các công ty Mỹ nhập khẩu lương thực, thảm và các loại mặt hàng khác từ Iran. Hôm 15/1, Tổng thống Obama đã ký bản ghi nhớ cho phép xuất khẩu máy bay chở khách sang Iran.
Tuy nhiên, không phải tất cả các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran đều được gỡ bỏ. Chính quyền Tổng thống Obama nhấn mạnh Washington vẫn tiếp tục duy trì trừng phạt Iran cho vấn đề vi phạm nhân quyền và hỗ trợ khủng bố.
Hãng thông tấn Fars dẫn lời công tố viên Tehran cho hay: Đáp lại động thái tích cực từ phía Mỹ, Iran được cho là đã thả 4 tù nhân Mỹ, trong đó có nhà báo Jason Rezaian của Washington Post, theo một thoả thuận trao đổi tù nhân.
Người phụ trách vấn đề chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) bà Federica Mogherini khẳng định: “Tất cả các bên đều tin tưởng rằng thỏa thuận lịch sử này mạnh mẽ và công bằng. Đây là thông điệp mạnh mẽ và đầy khích lệ rằng cộng đồng quốc tế sẽ ghi nhớ nỗ lực của chúng ta trong việc giúp thế giới an toàn hơn”.
Kim Ngưu (tổng hợp)