Ngày 26/8, Thời báo Hoàn cầu đưa tin, sau các nỗ lực “gieo mây” hôm 25/8, dự báo, một số địa bàn thuộc tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) sẽ có mưa vừa, mưa to kéo dài từ hôm nay đến 30/8.
“Gieo mây” là thuật ngữ giới chuyên gia sử dụng để đề cập tới biện pháp gây mưa nhân tạo bằng cách rải hóa chất như i ốt bạc lên các đám mây gây ngưng tụ. Ngoài Tứ Xuyên và Trùng Khánh, nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc như An Huy, Giang Tô, Hồ Bắc… Cũng sử dụng “gieo mây” với hy vọng gây mưa nhân tạo.
Trong ngày 25/8, một số địa bàn ở Trùng Khánh đã xuất hiện mưa sau khi chính quyền địa phương quyết định phóng 4 tên lửa chứa hóa chất gây ngưng tụ lên trời. Đây là những trận mưa đầu tiên ở thành phố này kể từ ngày 7/8. Các đám mây được can thiệp cũng giúp giảm nhiệt độ của thành phố. Ngoài tên lửa, Trùng Khánh còn sử dụng máy bay không người lái (UAV) để “gieo mây”.
Chuyên gia thuộc Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) cho biết, từ ngày 1/8 đến 25/8, nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc đã đồng loạt “gieo mây” chống hạn. Tổng cộng, có 91 máy bay rải hóa chất gây ngưng tụ đã cất cánh với tổng thời gian bay hơn 260 giờ. Khoảng 116.000 quả “bom" chứa i ốt bạc và 25.000 tên lửa “gieo mây” cũng được sử dụng.
Theo Bloomberg, Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ này trong quy trình tưới tiêu hoặc làm mát những thành phố phải chịu hạn hán, nắng nóng. Máy bay tạo mưa còn được sử dụng để đảm bảo thời tiết đẹp cho những sự kiện quan trọng như Olympic.
Một số hãng tin phương Tây cho rằng, việc Trung Quốc đang “kiểm soát thời tiết” bằng các thiết bị “gieo mây” và điều này có thể ảnh hưởng đến lượng mưa tự nhiên toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Newsweek (hãng tin Mỹ) cho rằng, i ốt bạc mà Trung Quốc sử dụng để “gieo mây” có thể gây hại cho môi trường.