Ngày 15/3 vừa qua, Cộng đồng mạng không ngừng xôn xao về thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh.
Anh Nguyễn Văn Minh, người được cho là chủ nhân mua cây lan trị giá 250 tỷ đồng đã đăng tải thông tin trên FB cá nhân về việc nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với vườn lan var Đất Mỏ với tổng giao dịch là 288.500.000.000 đồng. Trong đó có 1 cây Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỷ đồng, 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ đồng.
Liên quan đến thương vụ trên, thượng tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Công an thị xã Đông Triều cho biết, cơ quan này đã cử cán bộ phối hợp cùng cơ quan thuế xác minh sự việc.
"Hiện tại chưa nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong trường hợp người mua hoặc người bán có đơn tố cáo có dấu hiệu lừa đảo thì cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra", trên Doanh nghiệp và Tiếp thị dẫn lời ông Sơn khẳng định.
Trước đó, ngày 12/3, trên mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá gần 19 tỷ đồng. Dù đã quá quen với những vụ chuyển nhượng lan tiền tỷ, nhưng khi giao dịch này được thông báo thành công, nhiều người vẫn không khỏi sửng sốt.
Trước những thông tin trên, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Nam khẳng định, qua xác minh ban đầu, 99% vụ chuyển nhượng lan Bảo Duy 5 cánh có giá gần 19 tỷ đồng là giả.
"Chúng tôi đã phối hợp với các phường, xã địa phương vào cuộc xác minh. Kết luận ban đầu 99% thương vụ trên là giả, các đối tượng nhờ các kênh khác nhau để đưa thông tin, gây sốt dư luận nhằm phục vụ các mục đích khác nhau", trên Dân trí dẫn lời ông Dương nói.
Theo một đại gia đam mê cây cảnh nhận định, năm ngoái tình trạng giao dịch lan đột biến đã lắng xuống, thế nhưng năm nay những giao dịch này lại bùng lên còn mạnh mẽ hơn.
Có thể thời gian sắp tới, những vụ giao dịch thế này sẽ diễn ra tràn lan hơn. Nhiều người tiền ở nhà chưa chắc đã có nhưng bán nhà, bán xe mua lan nhưng giá trị thu về lại bằng không.
Vị đại gia này cũng khẳng định, tất cả những người giao dịch lan trong các thương vụ trên đều là kinh Doanh thu lợi nhuận chứ không phải vì đam mê. Vậy lợi nhuận cuối cùng đi về đâu? Một phần của mục đích này có thể là rửa tiền. "Tôi và một số người rất bức xúc trước trường hợp này, không hiểu vì sao vấn đề bức thiết này lại tiếp tục diễn ra và không có sự can thiệp của nhà chức trách", vị đại gia này nói.
Trước những bức xúc của người chơi lan chân chính, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp (đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, những người hiểu biết pháp luật, hiểu biết về thị trường và người tỉnh táo sẽ không bao giờ tin rằng ngọn lan đột biến này có giá 250 tỷ đồng.
Theo ông Cường, thực tế mầm lan đột biến ở các vườn ươm loại tốt nhất cũng chỉ vài chục ngàn đồng, chưa đến một trăm đồng. Mỗi chậu hoa lan chỉ đáng vài triệu, thậm chí vài chục triệu là cao bất thường rồi. Bởi vậy, đây rõ ràng là chiêu trò thổi giá để trục lợi của một số đối tượng, hành vi có thể xử lý hình sự.
Với tất cả các giao dịch mua bán lan đột biến với giá bất thường thì cơ quan thuế và cảnh sát kinh tế phải có trách nhiệm làm rõ để truy thu thuế cho nhà nước. Trường hợp có hành vi trốn thuế thì có thể xử lý hình sự về tội trốn thuế theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.
Còn trường hợp các đối tượng thừa nhận giao dịch là giả mạo thì sẽ xem xét xử lý về hành vi đưa tin trái phép trên mạng internet, (theo Luật An ninh mạng, tùy vào tính chất mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự).