Bạn có bao giờ nghĩ một tảng băng hình chữ nhật hoàn hảo như thế này lại là sản phẩm của tự nhiên?
Thiên nhiên tạo ra vạn vật với muôn vàn hình dạng khác nhau. Nhưng đa phần chẳng có thứ gì được hoàn hảo, mà hầu hết là bất đối xứng và... xiêu vẹo. Ví dụ, bạn sẽ hiếm khi thấy một con đường ngoài tự nhiên mà có góc rẽ hoàn hảo lên đến 90 độ cả.
Bởi vậy mà bức ảnh do NASA công bố gần đây mới khiến cư dân mạng phải sôi sục. Đó là một tảng băng trôi tại biển Nam Cực, và giữa một rừng băng đang trôi lững lờ, tảng băng này lại có hình chữ nhật theo cái cách cực kỳ hoàn hảo, cứ như được con người đục đẽo vậy.
Tảng băng do NASA công bố trong tuần qua
Hình dáng kỳ cục của tảng băng đã làm dấy lên nhiều lời đồn đoán? Alien xuất hiện chăng? Hay có một nhóm người nào đó đã bí mật đục khoét, gọt giũa tảng băng này vì một lý do mà chưa ai biết?
Nhưng hóa ra, đây lại là một tảng băng hoàn toàn tự nhiên - đó mới là điều bất ngờ nhất.
Thông thường khi nhắc đến khái niệm băng trôi, chúng ta nghĩ về những tảng băng lởm chởm, nhọn phía trên và nở ra dưới đáy. Tuy nhiên thực chất đó chỉ là một trong hai dạng băng trôi đã được giới khoa học công nhận, với tên gọi "non-tabular iceberg" (băng trôi phi bảng).
Loại còn lại là "tabular iceberg" - hay băng trôi dạng bảng, thì có hình dạng mô phỏng hình chữ nhật nhiều hơn. Chúng là những phiến băng lớn với mặt trên phẳng, các cạnh gần như thẳng đứng, thường tách ra từ các thềm băng vĩnh cửu.
Theo Kelly Brunt - chuyên gia địa lý từ ĐH Maryland (Mỹ), quá trình tạo ra băng dạng bảng có thể hình dung giống như việc móng tay bạn mọc quá dài và bị gãy vậy. Khi thềm băng gãy ra, nó tạo thành một tảng băng với các đường nét gọn gàng, thẳng thớm và trông hết sức phẳng lặng.
Đặc biệt, những khối băng dạng bảng này có thể rất lớn, với diện tích hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn kilomet vuông. Như tảng băng lớn nhất trong lịch sử từng được khi nhận đạt đến con số trên 11.000km2 rồi.
Ảnh minh họa
Brunt cho biết, tảng băng trong ảnh của NASA là một khối băng mới nên diện tích chưa được công bố. Và vì là tảng băng mới nên các đường nét vẫn còn rất "chuẩn" - do nước biển và gió chưa kịp tác động đến nó. Dựa trên các hình ảnh, nó cũng khó lòng đạt được kích cỡ kỷ lục như trên.
Ngoài ra, có thể thực tế tảng băng cũng không quá hoàn hảo như ảnh chụp. Biết đâu đầu còn lại của tảng băng cũng lởm chởm và không cân đối, và nếu được quan sát toàn bộ thì cũng không đến mức khiến cư dân mạng phải ngạc nhiên đâu.