Trong tuần này, Tổng thống Vladimir Putin dường như đã tính đến khả năng cân nhắc dùng vũ khí hạt nhân để chống lại Nhà nước Hồi giáo IS tại Syria. Nhưng ông nhanh chóng nói thêm rằng ông hy vọng những vũ khí này sẽ không bao giờ được sử dụng và không cần để dùng chúng chống lại bọn khủng bố.
* Đây là bài viết của tác giả Dave Majumdar được đăng tải trên tờ National Interest của Mỹ.
Theo truyền hình Nga, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, ông Putin nói: "Chúng ta phải phân tích tất cả mọi thứ đang xảy ra trên chiến trường, các vũ khí hoạt động thế nào. Tên lửa Kalibr và KH-101 đã được chứng minh là hiện đại và có hiệu quả cao và giờ đây, chúng ta biết chắc rằng những vũ khí chính xác có thể được trang bị cả đầu đạn thông thường lẫn đặc biệt, đó là hạt nhân".
"Đương nhiên, điều này là không cần thiết khi chiến đấu với những kẻ khủng bố và tôi hy vọng sẽ không bao giờ cần đến", ông nói thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Kremlin.ru |
Quân đội Nga đã chứng minh khả năng tấn công các mục tiêu bằng các tên lửa hành trình tầm xa từ máy bay ném bom siêu thanh Tupolev Tu-160 Blackjack, tàu ngầm điện diesel và thậm chí cả những tàu hộ tống nhỏ tại biển Caspian. Thực tế, Moscow đang thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội Nga trong một cuộc chiến hoàn toàn hiện đại trong chiến dịch không kích IS tại Syria. Một số vũ khí mới nhất của Nga - bao gồm máy bay Su-30SM Flanker, Su-34 Fullback, hệ thống phòng không S-400 và máy bay ném bom Tu-160 - đều xuất hiện lần đầu trong quá trình Moscow can thiệp vào Trung Đông.
Tuy nhiên, quân đội Nga vẫn còn phụ thuộc nhiều vào kho vũ khí hạt nhân đáng gờm của mình, vốn được thừa hưởng từ thời Liên Xô. Trong khi Nga có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện lực lượng thông thường từ năm 2008 thì sự cải tổ này vẫn không đầy đủ. Moscow vẫn còn một chặng đường dài phải đi trước khi có được một đội quân hoàn toàn hiện đại. Như vậy, Nga phải dựa vào lực lượng hạt nhân để bù đắp cho sự yếu ớt tương đối của mình.
Trong khi Liên Xô duy trì Chính sách "không sử dụng ngay từ đầu" vũ khí hạt nhân, nước Nga ngày nay có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân ngay từ đầu trong một cuộc xung đột.
Học thuyết mới ngược đời trên được gọi là "xuống thang". Như Nikolai Sokov, cựu nhân viên ngoại giao của Liên Xô và Nga, hiện đang là học giả cao cấp tại Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến Vienna viết trong cuốn "Bulletin of the Atomic Scientists":
"Nếu Nga đã phải đối mặt với một cuộc tấn công thông thường quy mô lớn, vượt quá khả năng phòng thủ của mình, họ có thể phản ứng lại bằng một cuộc tấn công hạt nhân có giới hạn. Cho đến nay, Nga chưa từng công khai nhắc đến khả năng xuống thang trong quan hệ với bất cứ cuộc xung đột cụ thể nào. Nhưng chính sách của Nga có lẽ đã giới hạn các lựa chọn của phương Tây khi phản ứng với cuộc chiến tại Georgia năm 2008. Và có lẽ trong thâm tâm các nhà lãnh đạo phương Tây ngày nay, điều đó đã kiềm chế phản ứng của họ với các sự kiện tại Ukraine".
Học thuyết xuống thang của Nga tương tự như thuyết "Lựa chọn mục tiêu sử dụng hạt nhân" (NUTS) thời Chiến tranh Lạnh. Đây là một học thuyết được thiết kế để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế.
"Trong Chiến tranh Lạnh, răn đe liên quan đến mối đe dọa về thiệt hại không thể chấp nhận trong cuộc xung đột với kẻ thù", ông Sokov viết. "Chiến lược xuống thang của Nga được đưa ra để thay thế việc đáp trả lại những thiệt hại không thể chấp nhận đối với kẻ thù và vượt quá những lợi ích mà kẻ xâm lược mong nhận được khi dùng đến vũ lực".
Như vậy, trong khi Nga dường như sẵn lòng để dùng đến vũ khí hạt nhân hơn các cường quốc phương Tây thì Moscow có vẻ sẽ không dùng loại vũ khí này tại Syria. Khi ông Putin đưa ra tuyên bố này, điều đó là không cần thiết và quân đội Nga không có nguy cơ bị choáng. Từ năm 2010, Nga đã giới hạn điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân đối với những tình huống khi mà "sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa".
Bảo Linh (theo National Interest)