Mỹ cần gấp rút triển khai chương trình đóng mới tàu ngầm hạt nhân chiến lược thay cho lớp Ohio trước những thách thức đến từ Nga và Trung Quốc.
Trang mạng PJ Media mới đây đã đăng tải bài phân tích của Giáo sư Seth Cropsey, Giám đốc Trung tâm Sức mạnh biển Mỹ, thuộc Viện nghiên cứu Hudson về sự cần thiết của chương trình đóng mới và hiện đại hóa tàu ngầm hạt nhân. Ông Cropsey từng giữ chức Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Caspar Weinberger.
Giáo sư Cropsey diễn giải tàu ngầm lần đầu tiên được Mỹ triển khai trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Tuy vậy, tàu ngầm chỉ thực sự được chế tạo với số lượng lớn trong Thế Chiến II.
Giáo sư Seth Cropsey, Giám đốc Trung tâm Sức mạnh biển Mỹ, thuộc Viện nghiên cứu Hudson. |
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nga đã phát triển hai loại tàu ngầm hạt nhân bao gồm tàu ngầm tấn công (SSN) và tàu ngầm mang theo tên lửa đạn đạo, tên lửa dẫn đường (SSBN và SSGN).
SSBN chính là sản phẩm trong cuộc chạy đua hạt nhân với khả năng lặn sâu dưới biển và tạo cơ hội tấn công đáp trả nếu như khủng hoảng hạt nhân xảy ra với Liên Xô.
Hạm đội SSBN Mỹ củng cố khả năng răn đe và giúp đảm bảo cuộc chiến tranh hạt nhân không xảy ra. Ngày nay, tàu ngầm ngày càng trở thành yếu tố quan trọng nhất đối với hải quân Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga.
Trong khi đó, các tàu ngầm SSN là nhân tố quan trọng trong tương lai. Các tàu ngầm tàng hình giúp là mô hình lý tưởng để vượt qua mạng lưới chống tiếp cận, chống xâm nhập của Trung Quốc. Các tàu ngầm SSN có thể kiềm chế hạm đội Trung Quốc và phát hiện các hoạt động khả khi trước khi Bắc Kinh có hành động đối phó.
Theo Giáo sư Cropsey, Mỹ cần phải đảm bảo việc duy trì hạm đội tàu ngầm mạnh mẽ bao gồm cả các trang thiết bị quân sự và yếu tố con người. Do vậy, Hoa Kỳ cần xúc tiến chương trình thay thế tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio.
Các tàu ngầm lớp Ohio SSBN đã hoạt động trong biên chế hải quân Mỹ từ năm 1981. 4 chiếc tàu ngầm đầu tiên đã được chuyển đổi để mang tên lửa dẫn đường. Những tàu ngầm còn lại nằm trong chương trình nâng cấp nhằm kéo dài thời gian hoạt động.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ. |
Dù vậy, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio đã hoạt động hơn 2 thập kỷ qua và cần có sự thay đổi. Dự án thay thế ước tính chi phí lên tới 6-7 tỷ USD/tàu ngầm. Con số này tương đương gần một nửa so với ngân sách hàng năm của hải quân Mỹ nhưng theo Giáo sư Cropsey, chương trình đóng mới tàu ngầm là cần thiết.
Mỹ cần ít nhất 12 tàu ngầm để đảm bảo khả năng răn đe. Thậm chí, Quốc hội Mỹ nên chấp thuận dự án thay thế tàu ngầm Ohio bằng quỹ đầu tư ngoài ngân sách hải quân.
Thứ hai, Mỹ cần phải nâng cấp và tăng cường khả năng chiến đấu của các tàu ngầm SSN để duy trì ưu thế về mặt công nghệ trước các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc.
Hiện các tàu ngầm lớp Virignia hàng đầu của hải quân Mỹ đã có thể mang theo 12 tên lửa hành trình Tomahawk. Con số này có thể tăng lên 40 nếu nâng cấp kho vũ khí nhưng vẫn ít hơn một nửa so với tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
Hải quân Mỹ cũng cần đầu tư nâng cấp tầm bắn cũng như độ chính xác của các tên lửa và ngư lôi phóng từ tàu ngầm SSN.
Máy bay không người lái (UAV) và phương tiện không người lái dưới nước (UUV) là lựa chọn thích hợp nhất để mở rộng khả năng hoạt động hiệu quả của các tàu ngầm SSN trong môi trường đại dương.
Tàu ngầm hạt nhân SSBN-726 lớp Ohio với 6 ống phóng tên lửa đã được mở. |
Bên cạnh yếu tố phát triển công nghệ, Giáo sư Cropsey chỉ ra rằng các thủy thủ và sỹ quan đóng vai trò quan trọng, đem đến sức mạnh cho hải quân.
Không chỉ yêu cầu các thủy thủ có kỹ năng cao để vận hành tàu ngàm hạt nhân, họ còn phải chấp nhận cuộc sống xa gia đình trong một khoảng thời gian dài.
Việc mở rộng các chương trinh trên đất liền sẽ giúp đỡ các thủy thủ đảm bảo thời gian để xây dựng gia đình. Điều này cũng khuyến khích các nữ sĩ quan gia nhập hải quân.
Giáo sư Cropsey kết luận, đây là những yếu tố cần thiết để đảm bảo hải quân Mỹ tiếp tục chiếm ưu thế trong các hoạt động dưới đáy biển. Bởi hạm đội tàu ngầm là yếu tố sống còn đối với an ninh Mỹ.
Với việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực, Nga giám sát hoạt động tàu ngầm Mỹ ở Caribe, các tàu ngầm hạt nhân Mỹ vẫn tiếp tục là lực lượng nòng cốt nhằm đảm bảo sức mạnh hải quân Hoa Kỳ.
Đăng Nguyễn