Do tránh chiếc xe máy đi ngược chiều, một bé trai 8 tuổi đã bị ngã vào hố trấu đang cháy khiến 2 cẳng chân bị bỏng nặng.
Theo tin tức trên báo Dân trí, ngày 29/9, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết đã điều trị bỏng 2 chân cho bệnh nhi Diệp Tấn Tài (8 tuổi, ở Đồng Tháp).
Bác sĩ Phan Vũ Bảo - quyền trưởng Khoa Bỏng cho biết, chiều 4/8, bệnh viện tiếp nhận bé trong tình trạng sốc, bỏng diện tích 28%, bị nhiễm trùng huyết cao.
Các bác sĩ đã lo ngại về khả năng giữ lại các ngón chân của cháu. Đồng thời, với vết bỏng sâu và khâu sơ cứu bước đầu của người nhà không tốt nên cháu có thể bị nhiễm trùng vết bỏng, đe dọa nhiễm trùng máu.
Các bác sĩ đã tiến hành điều trị sốc bỏng. Qua giai đoạn này, cháu được cắt lọc đến 4 lần mới loại hết phần mô hoại tử. Để giữ lại tính mạng cho cháu, một phần của ngón chân thứ 2 và 3 bàn chân phải bị cắt. Sắp tới, cháu sẽ được ghép da và tập vật lý trị liệu để tránh sẹo co rút.
Bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Lao động |
Trao đổi với PV báo Lao động tại Bệnh viện Nhi đồng 1, anh Diệp Thanh Phong (31 tuổi, ngụ ở tỉnh Đồng Tháp) – cha cháu Tài kể, nghỉ hè, anh cho 2 con về quê ngoại chơi. Vào khoảng 16 giờ ngày 3/8, trong lúc cùng 4 bạn nhỏ trong xóm đi chơi, vì tránh một chiếc xe máy đi ngược chiều, Tài bị rớt vào một hố trấu rất to được đổ bên đường.
Do hố tro nằm ở đoạn đường vắng nên không có ai cứu cháu bé lên. Cháu bé tự mình trèo lên hố tro nóng nên bị bỏng nặng ở vùng đùi và hai bàn chân. Sau khi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc (Đồng Tháp), cháu bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị do vết bỏng quá nặng.
Đến nay, sau 2 tháng điều trị, vết bỏng của bé đã khỏi hoàn toàn nhưng phải tập vật lý trị liệu trong thời gian dài để kéo giãn da ở chân. Chi phí điều trị hơn 130 triệu đồng, bảo hiểm y tế chi trả 80%. Các bác sĩ dự kiến Tài sẽ xuất viện trong tuần tới.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Bảo cũng cảnh báo, tình trạng đốt rơm, đốt trấu trên cánh đồng hoặc ven đường đã từng gây tai nạn cho nhiều người. Tro rơm hoặc trấu chất thành đống thường cháy âm ỉ trong thời gian dài, sẽ trở thành những cái bẫy nguy hiểm đối với mọi người đặc biệt là trẻ nhỏ.
Để tránh những tai nạn tương tự, người dân cần chủ động giám sát và dập lửa khi rơm, trấu đã cháy xong. Phụ huynh phải thường xuyên để mắt đến các bé, chỉ bảo cho trẻ Kỹ năng sống cần thiết, tránh các điểm có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Xem thêm video "Bé gái bất ngờ câu được con cá lớn bằng cần đồ chơi": [mecloud]mKxMUH7uKY[/mecloud]
Bảo An (tổng hợp)