Theo một báo cáo chính thức từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Nga hiện đang sở hữu 1.643 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng triển khai, nhiều hơn Washington một đầu đạn và là lần đầu tiên vượt qua Mỹ kể từ năm 2002.
Tờ Nước Nga Ngày nay (RT) dẫn báo cáo của Washington cũng cho hay, cả hai nước đều nâng cấp đáng kể kho vũ khí hạt nhân kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Ukraine.
Báo cáo này dựa trên số liệu trao đổi chính thức giữa hai nước theo hiệp ước giải trừ quân bị New START, và bao gồm các tên lửa được triển khai trước ngày 1/9. Số lượng này tăng đáng kể so với tháng Ba vừa qua, khi Washington mới chỉ có 1585 đầu đạn hạt nhân và Moscow là 1512.
Những con số hiện nay cho thấy hai bên đều đã vi phạm hiệp ước New START, được ký kết năm 2010 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev, trong quá trình thiết lập lại mối quan hệ giữa hai quốc gia, trong đó quy định mỗi bên chỉ được có 1.550 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng được triển khai.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Vladimir Monomakh của Nga
Nhìn chung, Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí tin rằng Moscow hiện có hơn 8.000 đầu đạn hạt nhân, và Washington có hơn 7000.
Nga vừa công bố kế hoạch cải tổ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho tới năm 2020, như một phần của chương trình tái vũ trang rộng lớn hơn được đầu tư ngân sách tới 700 tỷ USD.
Việc trang bị tên lửa Bulava được coi là một trong những dự án tốn kém nhất trong lịch sử quân sự của Nga, sau nhiều cản trở cuối cùng cũng đã sẵn sàng triển khai. Nga cũng đã đầu tư vào các hệ thống di động Yars, và đang có kế hoạch "tái sinh" những con tàu tên lửa hạt nhân phổ biến thời Xô Viết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cũng tự hào khoe rằng các tên lửa siêu âm của Moscow, có thể nhanh chóng thay đổi quỹ đạo, không thể bị bắn hạ bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào trên thế giới.
Trong thời gian gần đây, Washington liên tục bày tỏ sự lo ngại đối với hoạt động tái vũ trang của điện Kremlin.
"Sự lừa dối của Nga trong đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân trong khi vẫn âm thầm phát triển là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ", Jim Inhofe, một quan chức Thượng viện Mỹ viết trong bài xã luận đăng hồi háng trước, cáo buộc Mỹ đã giảm lực lượng hạt nhân trong khi Nga không ngừng tăng lên.
Những con số hiện nay có vẻ đáng báo động, song thực tế hai nước vẫn còn kém xa so với thời Liên Xô khi họ sở hữu tới hơn 40.000 đầu đạn hạt nhân.
"Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đang trên bờ vực của một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ít nhất, Nga chắc chắn sẽ không phải là một phần trong đó. Trong trường này, chỉ đơn giản là đã đến lúc chúng tôi hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân mà thôi", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với RT hồi tháng trước.
"Các kho vũ khí hạt nhân của Mỹ có phần trẻ hơn so với chúng ta, nhưng có lẽ cũng đã đến lúc để họ nâng cấp nó. Tôi chỉ hy vọng rằng Mỹ sẽ tuân thủ các quy định của hiệp ước New START, cái có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý".
Yên Yên (Nguồn: RT)
Theo Người đưa tin