Nếu phải tham gia cận chiến với F-22 Raptor hoặc F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ, Su-30SM của Nga vẫn sở hữu toàn bộ những "đồ nghề" được trang bị cho Su-35S.
Tại sao không phải là Su-35S hay Su-57?
Đối với hàng trăm nghìn phóng viên yêu nước của các kênh tin tức và phân tích quân sự Nga, mùa Hè vừa qua có lẽ đã trở thành "giai đoạn đầy thử thách đối với hệ thần kinh" trước sự xuất hiện của các máy bay thế hệ 5 Su-57 cũng như việc tiếp nhận xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata.
Thế nhưng, sau rất nhiều tuyên bố của của các quan chức cao cấp Nga, có vẻ như Su-57 và T-14 đang đứng trước những viễn cảnh không mấy sáng sủa.
Xét riêng với trường hợp của Su-57, trong 1,5 - 2 năm tới, phi đội 12 chiếc máy bay thử nghiệm có thể sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp leo thang xung đột nhưng chỉ "làm nên chuyện" ở một chiến trường khu vực biên giới giáp với châu Âu.
Trong bối cảnh này xuất hiện một câu hỏi: Những máy bay tiêm kích đa năng nào của Không quân Nga sẽ chịu trách nhiệm thực nhiều nhiệm vụ chiến đấu liên quan tới chiếm ưu thế trên không?
Đặt tình huống khi tham chiến với Nga, đối phương sẽ sử dụng các máy bay tiêm kích đa năng khó bị phát hiện thế hệ thứ 5 như F-22A và F-35A/B/C, cũng như những phiên bản nâng cấp sâu F-15C Eagle, F-15E Strike, F-16C Block 40/42/50/52, Rafale và Typhoon thế hệ thứ 4++ .
Những máy bay này được trang bị các tổ hợp radar tương ứng AN/APG-77, AN/APG-81, AN/APG-63(V)2, AN/APG-82(V)1, AN/APG-83 SABR, RBE-2AA và Captor-E nên hoàn toàn logic nếu cho rằng việc tung Su-35S được trang bị radar H035 Ibris-E có khả năng phát hiện F-22A ở khoảng cách 150-160 km, Rafale và Typhoon (270-300 km) và F-15C (400-450) km để tham gia các trận không chiến.
Tuy nhiên, dù hệ thống radar này có những phẩm chất xuất chúng thì Bộ Quốc phòng Nga cũng như các Bộ tư lệnh Không quân - Vũ trụ và Hải quân Nga tiếp tục thiên về việc mua các máy bay tiêm kích đa năng 2 chỗ ngồi thế hệ thứ 4++ .
Trong khi số lượng Su-30SM tại các đơn vị của lực lượng Không quân hải quân, cũng như Không quân vũ trụ đã lên tới ít nhất là 104 chiếc (tổng đơn đặt hàng có thể lên tới hơn 150-160 chiếc), thì số lượng các máy bay Su-35S được bàn giao cho Không quân Nga chỉ là 71 chiếc trên tổng số 98 chiếc được đặt hàng.
Có thể cảm giác rằng việc đặt trọng tâm vào Su-30SM là một quyết định thiếu tính toán của Bộ Quốc phòng Nga vì nó có giá thành thấp hơn, ở mức 40-45 triệu đôla, do Su-30SM có hàng loạt những hạn chế so với Su-35S.
Thứ nhất, đó là việc nó được trang bị tổ hợp radar H011 Bars yếu hơn gấp 2 lần về tầm xa và công suất trung bình kém hơn 3,3 lần Irbis (1,5 so với 5kWt), còn công suất chế độ hiển thị liên tục – yếu hơn gấp 2 lần (1 so với 2kWt).
Vì thế, tầm phát hiện mục tiêu với vùng tán xạ hiệu quả 0,07m2 (của chiếc tiêm kích khó bị phát hiện F-22A) chỉ ở mức 70 km, còn đối với tiêm kích thế hệ 4++ như "Rafale" là 135 km.
Thứ hai, nó không được trang bị tổ hợp quang điện tử 101KS "Atoll" dùng để phát hiện các tên lửa tấn công cũng như cung cấp tọa độ góc cho màn hình hiển thị đa năng của các phi công.
Thứ ba, nó có vận tốc yếu hơn 18% (2.125 km/h so với 2.500km/h), và khi mang đầy đủ đạn dược thì nó chỉ có thể đạt được vận tốc tối đa 1.750-1.800 km/h (đây không phải là chỉ số tốt trong trường hợp cần chặn đầu mục tiêu).
Su-30SM Nga phô diễn khả năng tác chiến. Ảnh: RT
Su-30SM có đầy đủ "đồ nghề" để nghênh chiến F-22 Raptor
Nhưng nếu thêm một lần nữa nhìn kỹ vào những điều kiện thực tiễn về chiến thuật trên chiến trường tại khu vực châu Âu, cũng như những tính năng kỹ - chiến thuật khác của Su-30SM, thì sự lựa chọn trên của Bộ Quốc phòng Nga, Không quân vũ trụ và Hải quân Nga hoàn toàn có thể coi là quyết định mang tính cân nhắc về kỹ thuật và kinh tế. Dưới đây là một vài lý do:
Trước tiên, đó là khu vực tác chiến của các đơn vị vận hành và phi đội Su-30SM của Không quân hải quân và Không quân vũ trụ, những lực lượng nằm phần lớn trong bán kính hoạt động của các trạm phát sóng trao đổi thông tin tác chiến về tình hình trên không được bố trí trên các máy bay cảnh báo sớm A-50U.
Những trạm này hoạt động trên các băng tần decameter, meter và decimeter (từ 2 cho tới 1.215 MHz) và giúp giữ được liên lạc âm thanh với các phi công của lực lượng không quân tác chiến ở các tần sóng từ 30 đến 400 MHZ, cũng như trao đổi các dữ liệu tác chiến ở những tần sóng từ 0,96 đến 1,215 GHz theo kênh radio kết nối mạng trung tâm được bảo mật.
Từ đó cho thấy, việc thiếu một tổ hợp radar định vị mạnh trên Su-30SM sẽ được bù đắp bằng việc tiếp nhận chỉ dẫn mục tiêu từ máy bay A-50U có khả năng phát hiện những mục tiêu ở khoảng cách 150 - 200 km (với Raptor) và 400 - 450 km (với Rafale hoặc F-16C), rồi sau đó truyền các tọa độ của chúng cho phi công và sĩ quan vận hành của Su-30SM.
Trong tương lai gần, những nhiệm vụ này sẽ được giao cho "trạm radar trên không" A-100 Premier hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm quốc gia.
Nhờ đó, Su-30SM sẽ có khả năng không chiến tầm xa, kể cả khi tắt tổ hợp radar định vị (khi dùng tên lửa không đối không tầm trung RVV-SD trang bị đầu đạn tự định vị mục tiêu bằng radar định vị chủ động). Đó là một hỗ trợ tuyệt vời để Su-30SM ẩn náu ở một khu vực nhất định nào đó trên không.
Tổ hợp radar định vị toàn cảnh Gamma-S1 là một trong số ít các radar cùng đời hoạt động ở tần sóng centimeter khi cung cấp thông tin về tình hình trên không với độ phân giải cao hơn.
Thông tin radar định vị có thể được tiếp nhận bởi tổ lái của Su-30SM từ trạm radar định vị mặt đất HKBC-27. Trong trường hợp này, nguồn chỉ dẫn mục tiêu có thể là các tổ hợp radar định vị mặt đất Gamma-S1, Protyvnik-GE, Nebo-M,… Ngoài ra, tổ lái Su-30SM có thể nhận thông tin radar định vị từ cả Su-35S trang bị tổ hợp liên lạc đa tần sóng S-108.
Sự kết nối mạng lưới trung tâm này sẽ giúp tăng khả năng chiến đấu của sư đoàn không quân tiêm kích lên nhiều lần mà không cần sự trợ giúp của A-50U hoặc A-100.
Thứ hai, nếu trong các trận chiến trên không tầm xa và tầm trung, Su-30SM không thể vượt qua được đối phương nhưng để giành được thắng lợi trong trận "cắn xé" với Raptor hoặc F/A-18E/F Super Hornet cơ động cao, cỗ máy này của Nga sở hữu toàn bộ "đồ nghề" được trang bị cho Su-35S.
Đó là động cơ tuốc bin buồng đốt sau hai vòng AL-41FP với lực nâng tổng thể là 25.600 kg có khả năng đẩy vector với lực đẩy mỗi động cơ khi sử dụng chế độ đốt sau là 142,2 kN, cửa xả của động cơ phản lực này có thể di chuyển độc lập theo các hướng khác nhau khi bay giúp nó có khả năng thực hiện những động tác bất khả thi nếu chỉ áp dụng các cơ chế khí động học thông thường.
Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Không quân Mỹ
Nhờ thiết kế động cơ này, nó có thể di chuyển theo một hướng trong khi mũi máy bay chĩa về hướng khác. Góc tấn cao cho phép chiếc máy bay dễ dàng hướng vũ khí vào mục tiêu đang lẩn tránh và thực hiện các động tác cơ động khó.
Điều đó hoàn toàn đủ để đạt được ưu thế trước cả Super Hornet lẫn Raptor. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào tổ hợp ngắm bắn-định vị quan điện tử OLS-30, các tên lửa tầm gần siêu cơ động không đối không RVV-MD hoặc súng đại liên GSh-30-1.
Hơn nữa, việc trong tổ lái có một sĩ quan vận hành các hệ thống (hoa tiêu-vận hành) giúp cho tính năng chiến đấu của cỗ máy tăng lên rõ rệt nhờ việc phân chia nhiệm vụ và giảm khối lượng công việc cho tổ lái.
Thông tin tốt cuối cùng đó là các chuyên gia của Tổ hợp chế tạo động cơ Ufa đã triển khai công tác nâng cấp động cơ cho Su-30SM lên thành AL-41F-1S.
Điều này có nghĩa là một trong những phiên bản Su 2 chỗ ngồi phổ biến nhất trong lực lượng Không quân vũ trụ và Không quân hải quân Nga có thể chiếm được ưu thế trước đa số những máy bay tiêm kích của các nước NATO mà không cần sử dụng cơ chế đốt sau.
Su-30SM thực hiện các pha nhào lộn và thực chiến trên không