Tin mới

Nghị lực những phụ nữ "làng góa phụ”

Thứ ba, 01/04/2014, 13:57 (GMT+7)

“Giữ” chồng khỏi cơn thịnh nộ của biển, lo lắng nuôi con ăn học một mình, đó là cách giúp những người vợ, người mẹ ở làng biển Khánh Hội (huyện U Minh, Cà Mau) nguôi ngoai nỗi đau 17 năm trước.

“Giữ” chồng khỏi cơn thịnh nộ của biển, lo lắng nuôi con ăn học một mình, đó là cách giúp những người vợ, người mẹ ở làng biển Khánh Hội (huyện U Minh, Cà Mau) nguôi ngoai nỗi đau 17 năm trước.

 

Chông chênh những con đường

Chúng tôi tìm đến ấp 7, xã Khánh Hội, huyện U Minh sau gần 17 năm cơn bão số 5 (10.1997) đổ vào Cà Mau, cướp đi sinh mạng hàng trăm ngư dân. Ấp 7, có thời gian được ví như “làng góa phụ”. Vì sau chuyến đi biển định mệnh, hàng trăm người chồng, người cha đã không trở về.

Nghị lực của phụ nữ làng “góa phụ”
Chị Trang thà chịu cực nhọc chứ nhất quyết không cho chồng ra biển.

Con đường về làng biển Khánh Hội vốn đã chông chênh, khó đi… vậy mà đường dẫn vào “làng góa phụ” lại càng khó đi và chông chênh hơn gấp nhiều lần. Từ TP. Cà Mau phải chạy hơn 50km đường bộ, chúng tôi mới đến được xã Khánh Hội, huyện U Minh. Gửi xe tại một điểm giữ cách cửa biển Khánh Hội khoảng 6km, rồi thuê đò dọc chở vào ấp.

Chị Trang - chủ phương tiện đò dọc nhận lời đưa chúng tôi đi. Nghe chúng tôi nói muốn đến những gia đình có chồng bị chết trong cơn bão số 5, chị Trang cười khì, rồi bảo: “Tưởng đi đâu thì khó, chứ mấy anh muốn gặp các chị được mệnh danh là “hòn vọng phu” trong ấp này thì dễ ẹc”.

Trên đường vào ấp 7, tôi hỏi đùa chị Trang: “Chồng chị đâu mà không đi chạy đò để chị làm cực vậy?”. Vừa chạy vỏ máy, chị Trang trả lời tỉnh queo: “Ông xã tui là người may mắn thoát chết trong cơn bão năm đó. Ổng nói sẽ nghỉ đi biển vì không muốn xa mẹ con tui. Vậy mà gần một năm sau, ông ấy lại trở chứng đòi đi biển vì ở nhà tù túng quá ổng chịu không nổi. Tui nhất quyết không cho, ổng nói nếu không cho ổng ra biển thì phải nuôi ổng, tui gật đầu liền. Từ đó, tui thay ổng kiếm tiền bằng nghề chạy đò, còn phần ổng thì lo cơm nước, chăm sóc cho mấy đứa con đi học”.

Lao vào công việc

Chiếc vỏ máy cũ kỹ của chị Trang đưa chúng tôi đến nhà chị Lê Thị Mỹ Dung - vợ anh Võ Minh Thành chết trong cơn bão số 5, mất xác. Trước mặt chúng tôi là người phụ nữ với nét mặt khắc khổ, làn da cháy xám vì những ngày làm lụng thay chồng nuôi con.

Những người phụ nữ sau nhiều tháng ra biển đón chồng, họ lại trở về làm đám ma cho chồng mà trong quan tài trống rỗng do không tìm thấy xác. Có những gia đình nghèo đến mức không có tiền để phóng một tấm di ảnh lớn của chồng để lên bàn thờ…

Đôi mắt đỏ hoe, chị Dung kể: Chiều 22.9.1997, khi hai vợ chồng cuốc đất đám mạ thuê, anh Thành nhận lời đi biển khi có chủ tàu gọi. “Lúc đó, tui có linh tính không tốt nên kêu ảnh ở nhà. Ảnh nói, cuốc đất không được bao nhiêu, tiền ăn còn không đủ lấy tiền đâu cho tui sinh con… Vậy mà!”. Lời chị Dung bặt đi trong tiếng nấc.

Chồng chết, nhà cửa cũng sập trong bão, chị đã từng nghĩ đến cái chết, nhưng không làm được vì còn đứa con trong bụng. Cuộc sống nghèo khổ, không mảnh đất “cắm dùi”, hàng ngày chị phải tiếp tục công việc làm thuê. Một công việc như đã trói buộc cuộc đời chị từ khi mới lọt lòng mẹ.

Chị Trần Thị Lan, chị Nguyễn Kiều Thương… cũng là những người vợ thay chồng nuôi con. Chị Thương cho biết, chồng chị là anh Nguyễn Văn Út cũng mất trong cơn bão. Anh Út mất tích ngoài biển thì hai tháng sau chị Thương sinh con. Đứa con được chị Thương đặt tên Nguyễn Bão Biển, như là một lời ghi nhớ về người chồng bạc số của mình.

Đối với những người phụ nữ như chị Dung, chị Lan, chị Thương và nhiều chị em khác ở làng biển này thì thời gian không xóa được nỗi đau mà họ phải gánh chịu. Nhưng bù lại, họ có được niềm vui khi thay chồng nuôi các con trưởng thành.

Những đứa con sinh ra không biết mặt cha như cháu Võ Minh Hoàng (con chị Dung), Nguyễn Bão Biển (con chị Thương)… nay đã khôn lớn, có thể đỡ đần mẹ một phần của cuộc sống mưu sinh. Và cũng chính những đứa con này đã đem lại nụ cười cho những bà mẹ nghèo đầy vất vả ở làng biển Khánh Hội.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: nghị lực