Trao đổi với PV Gia đình Việt Nam, đại diện Phòng khám Nhi Cao cho hay: “Không có chuyện chúng tôi rửa mũi cho bé bằng cồn…”.
Văn bản xác nhận kết quả chẩn đoán của Bệnh viện Nhi Trung ương không khác biệt với chẩn đoán của Phòng khám Nhi cao
Theo tường trình từ phòng khám, khoảng 18h30 ngày 05/04/2014, vợ chồng anh Hà Tuấn Anh đưa cháu Hà Hoài Anh đến Phòng khám Nhi Cao (địa chỉ 99, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) khám bệnh. Một tiến sĩ, bác sỹ chuyên khoa Nhi của phòng khám trực tiếp thăm khám và chẩn đoán: Bệnh nhi: ho, thở khò khè, mũi có dịch, tim phổi bình thường và kết luận viêm đường hô hấp trên, chỉ định: Dùng nước muối sinh lý Nacl 0.9% rửa mũi và hút dịch nhầy.
Sau khi y tá tiến hành rửa mũi xong thì bé Hoài Anh khóc nhiều, bố mẹ bé cho rằng đây là hiện tượng bất thường và yêu cầu đưa bé đến Bệnh viện nhi Trung ương. Phòng khám Nhi Cao đã cử bác sĩ và một y tá cùng bố mẹ bé chuyển Hoài Anh tới Bệnh viện nhi Trung ương an toàn đáp ứng yêu cầu của gia đình để khám và tiếp tục điều trị cho bé.
Mẹ bé Hoài Anh cho rằng nguyên nhân của việc bé Hoài Anh khóc nhiều là do Phòng khám Nhi Cao đã nhầm lẫn thay vì dùng nước muối sinh lý, đã dùng cồn để rửa mũi cho con mình.
Theo tin tức trên một số tờ báo, mẹ cháu bé cho hay khi đưa bé Hoài Anh nhập viện, tại Khoa Miễn dịch của Bệnh viện Nhi Trung ương, bé bị nôn ra máu và nhiều dịch nhầy, mẹ cháu đã lấy khăn lau cho cháu. Sau đó, chụp lại hình ảnh và lưu cả cái khăn lau có mùi cồn.
Trả với P lời PV Gia đình Việt Nam, đại diện Phòng khám Nhi Cao cho hay: “Không có chuyện chúng tôi rửa mũi cho bé bằng cồn. Sự thật không đúng như phản ánh này”.
“Thứ nhất, đội ngũ chuyên môn của phòng khám Nhi Cao là những người có chuyên môn, có kinh nghiệm và trách nhiệm, việc rửa mũi cho bệnh nhi được tiến hành thường xuyên, không phải trường hợp hiếm hay khó khăn gì mà có thể dễ dàng nhầm lẫn.
Thứ hai: Dung dịch cồn sát khuẩn màu xanh, chai nước muối để rửa mũi màu trắng, hình dáng và màu sắc hai rất khác nhau, không thể nhầm lẫn’’
Về chuyên môn sẽ dễ dàng nhận biết rằng, nếu dùng cồn để rửa mũi cho bé thì bộ phận tổn thương trước tiên sẽ là mũi của bé chứ không thể có chuyện rửa mũi bằng cồn mà lại dẫn tới hậu quả là bé nôn ra nhiều máu. Kết luận như vậy là sự suy diễn thiếu logic”, đại diện Nhi cao chia sẻ.
"Dung dịch cồn sát khuẩn màu xanh, chai nước muối để rửa mũi màu trắng, hình dáng và màu sắc hai rất khác nhau, không thể nhầm lẫn’’ - Bác sĩ phòng khám Nhi cao cho hay
Các cán bộ Phòng khám Nhi Cao cũng cho hay: “Khi chúng tôi hỏi về việc nôn ra máu của bé Hoài Anh, kíp trực và các Bác sỹ của Bệnh viện nhi Trung ương không hề hay biết’’. Chiếc khăn mà mẹ cháu bé chụp lại không biết từ đâu. Tại sao việc bé nôn ra máu mà mẹ cháu bé lại không thông báo cho kíp trực và bác sỹ trực tiếp điều trị ?
“Điều quan trọng, phòng khám không sử dụng khăn khi rửa mũi cho cháu bé mà dùng giấy để thấm nước muối, chiếc khăn được cho là có mùi cồn là của gia đình bệnh nhân”.
Sáng 16/4, Bệnh viện Nhi trung ương có Công văn số 508/BVNTW/KHTH phúc đáp yêu cầu của Phòng khám Nhi cao, kết luận: “Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung Ương trong tình trạng khò khè, có dịch nhày ở mũi, quấy khóc nhiều, SPO2 94%. Trẻ được nội soi tai, mũi, họng và xác nhận có viêm mũi họng cấp. Xét nghiệm công thức máu, chức năng gan thận, khí máu và X quang các chỉ số về cơ bản ở trong giới hạn bình thường”.
Theo Bệnh viện Nhi, trẻ được chuẩn đoán là viêm mũi họng, viêm thanh quản cấp và được xử trí theo phác đồ điều trị của Bệnh viện.
Sau một tuần điều trị, trẻ ổn định đã xuất viện. Chuẩn đoán : Viêm mũi họng, viêm thanh quản cấp.
Như vậy, kết quả chẩn đoán của Bệnh viện Nhi trung ương không khác biệt với chẩn đoán của Phòng khám Nhi cao.
Có nhiều nghi vấn cho thấy Phòng khám Nhi cao đã bị đối thủ “đánh” túi bụi. Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm sự việc này.
Theo Gia đình Việt Nam