Tin mới

Ngôi nhà 2 cha con đột tử vì bị "người âm bóp cổ"?

Thứ ba, 13/05/2014, 09:08 (GMT+7)

Anh thanh niên vốn dĩ mạnh khỏe, hiền lành bỗng nhiên chết một cách rùng rợn đến nỗi, đã vài tháng trôi qua, nhưng người dân trong làng, trong xã vẫn tỏ vẻ kinh sợ.

Anh thanh niên vốn dĩ mạnh khỏe, hiền lành bỗng nhiên chết một cách rùng rợn đến nỗi, đã vài tháng trôi qua, nhưng người dân trong làng, trong xã vẫn tỏ vẻ kinh sợ.

Đang mạnh khỏe bình thường, tối hôm đó, sau khi giúp bà nội sửa nhà, anh Phạm Xuân Bảo (SN 1989, ngụ đội 5, làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say. Nhưng chỉ lát sau, người mẹ đang xem vô tuyến chợt nghe con trai nấc lên ọc ọc như bị ai bóp cổ. Tưởng con gặp ác mộng, chị chạy vào giường lay con dậy. Người phụ nữ kinh hoàng khi thấy hai chân con ngay đơ, hai tay gồng một cách tuyệt vọng, xung quanh cổ bầm tím. Bà la làng kêu cứu. Hàng xóm láng giềng nháo nhào chạy đến. Nhưng anh Bảo đã chết ngay sau đó. Cái chết “bí hiểm” đáng sợ đến nỗi, sau đám tang, người mẹ phải “bỏ chạy” khỏi ngôi nhà bị cho là “ma” ám.

Con đột tử bất thường, mẹ đau buồn bỏ hoang căn nhà

Anh thanh niên vốn dĩ mạnh khỏe, hiền lành bỗng nhiên chết một cách rùng rợn đến nỗi, đã vài tháng trôi qua, nhưng người dân trong làng, trong xã vẫn tỏ vẻ kinh sợ khi nhắc đến. Sau khi tận tình chỉ đường cho khách, bất cứ người nào cũng “khuyến mãi” thêm thông tin: “Ngôi nhà đó bây giờ bỏ hoang không ai ở”. Bà Lê Thị Khánh, mẹ của Bảo sợ quá đã về nhà cha mẹ chồng (tức ông bà nội Bảo) ở. Quả như lời dân làng, vừa đến ngõ nhà người khuất, đã “chạm” ngay không khí buồn thảm, bởi vẻ hoang tàn của ngôi nhà và khu vườn rậm rịt lạnh ngắt vắng hơi người. Hai cánh cửa đóng im ỉm, phía ngoài cửa giắt một chiếc liềm sắt (thường dùng để gặt lúa) hoen rỉ, ý chừng ngăn tà ma vào nhà. Chị hàng xóm kế cận gọi với sang: “Mẹ Bảo mang bát hương của chồng và con đi luôn. Nhà bỏ hoang rồi”.

Ngôi nhà 2 cha con đột tử vì bị
Ngôi nhà 2 cha con đột tử vì bị 'người âm bóp cổ'? (Hình minh họa)

Người phụ nữ hiếu khách rối rít mang nước ra tận hiên nhà mời khách, rồi cặn kẽ kể ngọn nguồn câu chuyện. Lúc trước nhà bà Khánh tọa lạc trên mảnh vườn khác, chỉ sau cái chết đột ngột và kỳ bí của người chồng, bà sợ quá không dám ở nơi cũ, chuyển đến đây dựng nhà. Số là khi bà Khánh đang mang thai Bảo, còn hai tháng nữa mới đến ngày sinh nở thì cha Bảo đột ngột qua đời. Cha Bảo cũng chết một cách rùng rợn, y như cái chết của Bảo mới đây. Ông đang mạnh khỏe, đêm nằm ngủ chợt nấc lên ọc ọc mấy tiếng rồi chết, quanh cổ tím bầm như có ai bóp cổ. Sau khi lo ma chay cho chồng xong, chuyển đến nơi ở mới (ngôi nhà bây giờ), bà Khánh chuyển dạ, sinh được Bảo. Cả làng ai cũng mừng cho bà, vì chồng mất thì may mắn đã có đứa con trai sau này làm nơi nương tựa lúc tuổi già bóng xế.

Theo lời kể của người hàng xóm, Bảo vốn rất khỏe mạnh, đặc biệt hiền lành ngoan ngoãn. “Hắn không bao giờ nói tục, chửi thề lấy nửa câu. Trong xóm ai có việc gì nhờ, cũng đều tận tình làm giúp. Hồi tui bị bệnh xương khớp không làm việc nặng được, Bảo qua giúp vác không biết bao nhiêu bao lúa mà chẳng nề hà. Cũng chính vì vậy nên khi nghe mẹ Bảo kêu cứu, chồng tui là người đầu tiên có mặt”, chị này nói.

Cái chết khó lý giải?

Đó là một đêm tháng Sáu âm lịch năm 2013. “Hơn 10h khuya, vợ chồng tui đang chuẩn bị đi ngủ, thì nghe tiếng kêu cứu thất thanh của mẹ Bảo. Bà nói thằng Bảo hắn ọc ọc trong cổ như cha hắn ngày trước. Tui nói với chồng, có lẽ thằng Bảo trúng gió, mau mau cầm chai dầu qua cạo gió cho hắn. Chồng tui lật đật chạy qua nhà Bảo, nhưng đến cửa buồng thì chợt sựng lại vì hơi lạnh của tử khí xông lên rào cản. Chồng tui không dám đến cạnh giường mà hốt hoảng thối lui, tìm người ứng cứu. Lúc đó vừa chạy tới, tui cũng kinh hãi trước cảnh tượng hai chân Bảo ngay đơ, hai tay gồng mạnh, xung quanh cổ bầm tím, “dữ” (ý nói đáng sợ) lắm. Vết bầm ngày một lan rộng lên hai bên mang tai”, kể đến đây, người phụ nữ bất giác rùng mình dừng lại.

Chị nói tiếp: “Dường như lúc đó có “ai đó” đang bóp chết thằng Bảo mà cả mẹ hắn, cả chúng tôi có chứng kiến cũng đành bất lực. Chúng tôi xúm vào đưa Bảo đi bệnh viện cho thỏa mãn, chứ thực ra Bảo đã chết rồi”.

Sau khi chôn cất Bảo xong, người mẹ như bị mất hồn. Phải đến nửa tháng sau đó, khi đã trấn tĩnh, bà mới kể lại, cách ngày bị “bóp cổ” chết bốn hôm, Bảo mới đi ngủ đã gặp ngay giấc mơ lạ lùng. Bảo mơ thấy một người đàn ông dáng dấp to cao, nước da trắng trẻo, vẻ ngoài đẹp trai, ăn mặc lịch sự, quần tây áo sơ mi trắng “đóng thùng”, tay xách chiếc cặp da to. Người này đến cạnh Bảo rủ đi theo. Bảo không đồng ý, nói “cu ở nhà với mẹ thôi”. Thấy dỗ ngọt không xong, người đàn ông liền tóm lấy tay Bảo kéo đi theo mình. Bảo gồng lại, không chịu. Hai bên giằng co nhau. Nghe con ú ớ, người mẹ chạy qua giường lay con. Bảo tỉnh dậy, người vã mồ hôi ướt đẫm, kể cho mẹ nghe giấc mơ lạ.

Bà Khánh rùng mình nhớ đến người em ruột của chồng (tức chú ruột của Bảo) bị tai nạn chết trẻ, lúc Bảo còn chưa có mặt trên đời. Ớn lạnh nghĩ, chẳng lẽ “hồn ma” người chú này đã hết “rủ rê” chồng mình, nay lại định “bắt” đứa con trai về “thế giới bên kia”, bà Khánh vội vã lấy cây dao bằng sắt đặt dưới gối con trai, ngăn cản tà ma đến gần. Liên tiếp ba đêm đặt dao dưới gối như thế, không có giấc mơ “lạ” nào xảy ra nữa, nên đến đêm thứ tư, bà Khánh cất cây dao dưới gối con.

Đêm đó, khi con kêu buồn ngủ, người mẹ bảo con vào ngủ trước, bà còn tiếp tục xem vô tuyến. Đang xem, bà nghe con ọc ọc trong cổ. Nghĩ con lại gặp ác mộng như hôm trước, bà vội chạy vào lay con dậy. Nhưng trước mắt bà là cảnh tượng kinh hoàng, mắt Bảo trợn ngược, cổ tím bầm. Dường như đứa con cố giãy dụa để thoát khỏi bàn tay vô hình nào đó dữ tợn đang siết lấy cổ. Dãy dụa mong thoát khỏi cái chết nhưng không thể. Khi lau rửa tẩm liệm cho nạn nhân xấu số tội nghiệp, người tẩm liệm kể lại, dưới cổ Bảo, giữa vết bầm tím bao quanh, in hằn mấy dấu tay màu trắng, khiến nhiều người càng khiếp sợ và tin rằng Bảo “bị ma bóp cổ chết”.

Nén nhang cho người vắn số

Theo nhiều người dân trong làng, sau cái chết bất đắc, kỳ dị của người chồng, bà Khánh sợ đến phát điên. Ngoài việc di chuyển nhà ở, bà còn lâm vào cảnh phải điều trị về thần kinh. Thời gian trôi qua, không thấy “động tĩnh” gì về chuyện kỳ quái, bệnh tình bà thuyên giảm hẳn. Người phụ nữ góa ở vậy nuôi đứa con trai duy nhất khôn lớn thành người, học hành tử tế. Tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Huế, chưa xin được việc làm phù hợp, nên Bảo tạm thời ở nhà làm thuê, giúp mẹ mưu sinh. Cậu lớn lên cũng trắng trẻo, cao lớn và đẹp trai giống người chú đã mất. Cái chết bất ngờ và hết sức “kỳ lạ” của Bảo, đối với dân làng vẫn là ẩn số, không “giải” được. Sau 25 năm, kể từ khi chồng chết, lần nữa cái chết kỳ bí của Bảo lại khiến bà Khánh vừa đau đớn xót thương con, vừa sợ hãi khôn cùng. Bà liền đem bát hương cùng di ảnh của chồng và đứa con trai duy nhất vắn số, về nhà cha mẹ chồng nương nhờ, đóng chặt cửa ngôi nhà mà bà bán tín bán nghi là đang bị “ma ám”.

Theo chỉ dẫn của dân làng, chúng tôi tìm đến nhà ông bà nội Bảo, mong gặp bà Khánh, người mẹ bất hạnh vừa mới mất con lại đang bị nỗi sợ hãi “bủa vây”. Ngôi nhà có vẻ yên bình với giàn bầu và những luống rau quanh vườn. Cửa mở, nhưng tịnh không một bóng người. Cả chú chó nhỏ cũng không thèm sủa, lại “hiếu khách” vẫy đuôi mừng rối rít. Bên gian trái ngôi nhà, chiếc bàn thờ còn mới đặt hai bát hương và hai di ảnh mà chúng tôi đoán là di ảnh Bảo và người cha của cậu. Người trong di ảnh tươi cười lại càng khiến không gian ngôi nhà vắng lặng, xót xa. Rất muốn giơ máy ảnh lên ghi một vài tấm hình, nhưng chưa được phép của chủ nhà, nên chúng tôi không thể tự ý “làm liều”.

Đứng trước hiên nhà chờ một lúc rất lâu, vẫn không thấy ai về. Nhưng đã đến đây rồi, dù không “có duyên” gặp được người còn sống, lại đành lòng không thắp cho người đã khuất nén hương? Nghĩ vậy, nên chúng tôi đánh liều, bước đến trước bàn thờ, rút mấy cây hương châm lửa, thành kính thắp trước hai di ảnh của những người xấu số, cầu mong cho linh hồn họ được siêu thoát, bởi sinh lão bệnh tử, âu là chuyện tất yếu của đời người. Sau làn khói hương vấn vít, ánh mắt người thanh niên trẻ tuổi và người đàn ông vắn số trong di ảnh chợt trầm xuống, như thể “họ” cảm nhận được chút tấm lòng thành kính của khách.

Theo Pháp luật và Thời đại

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news