Thái Lan cũng nhanh chóng sửa chữa động cơ của các tàu thuyền và xua họ ra khỏi biên giới, bất kể những người này gần như chết đói và ốm yếu.
Theo tin tức trên Tiền phong, các ngư dân ở tỉnh Aceh của Indonesia nói rằng, chính quyền yêu cầu họ không cứu thuyền nhân trên biển, ngay cả khi những người này chết đuối, trong khi cuộc khủng hoảng di cư châu Á đang tồi tệ hơn,Channel News Asia đưa tin hôm qua.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm 17/5 nói rằng, Malaysia “rất cảm thông với những người trên biển”, nhưng “không được đặt gánh nặng lên vai Malaysia vì vẫn còn hàng ngàn người đang muốn đi khỏi nơi ở”.
Hôm qua, Myanmar ghi nhận mối quan ngại của cộng đồng quốc tế về làn sóng thuyền nhân rời khỏi nước này, nhưng khẳng định không chỉ riêng Myanmar phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng di cư của khu vực. “Thay vì đổ lỗi cho Myanmar, tất cả những vấn đề này cần được giải quyết bởi các đối tác khu vực”, Bộ trưởng Thông tin Ye Htut nói sau cuộc họp ngắn giữa các quan chức chính phủ nước này và các nhà ngoại giao ở Yangon. Myanmar vẫn chưa xác nhận việc tham gia hội nghị thượng đỉnh khu vực về cuộc khủng hoảng này. Dự kiến, hội nghị do Thái Lan tổ chức vào cuối tháng 5.
Những người Rohingya đứng trên một con tàu trôi dạt vào vùng biển Thái Lan, ngoài khơi đảo Koh Lipe ở biển Andaman. |
Phía Myanmar không công nhận cộng đồng 1,3 triệu người Rohingya là nhóm thiểu số ở nước này và vẫn giữ quan điểm họ là những người nhập cư trái phép từ Bangladesh. Hàng chục nghìn người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đã liều mạng ra đi trên những con tàu ọp ẹp qua vịnh Bengal. Vài năm gần đây, làn sóng di cư còn có thêm những người Bangladesh muốn thoát khỏi đói nghèo. Cuộc khủng hoảng xảy ra sau chiến dịch truy quét nạn buôn người ở Thái Lan - điểm trung chuyển chủ yếu của khu vực.
Trước đó, theo tin tức trên VnExpress, những người di cư được cứu sống khỏi một tàu chìm ngoài khơi Indonesia cho hay, có khoảng 100 người trước đó chết trong cuộc chiến tranh giành những đồ ăn cuối cùng còn sót lại trên tàu.
Tuy không thể xác minh độc lập những tuyên bố này, nhưng đài BBC cho biết, cả ba người di cư thoát chết đều kể giống nhau trong những cuộc phỏng vấn riêng rẽ. Họ đều nói mọi người bị đâm, treo cổ hay ném xuống biển.
Trường hợp của 700 người di cư được cứu sống đến từ Myanmar và Bangladesh đang được chính quyền Indonesia cưu mang. Tuy nhiên, hàng nghìn người khác vẫn đang lênh đênh trên các vùng biển Đông Nam Á và bị từ chối cho lên bờ.
Phong Vân (Tổng hợp)