Công văn do Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa vừa ký yêu cầu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương làm rõ “Việc điều trị của người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc âm tính như thế nào?”.
Ngay từ 3 giờ sáng, giữa trời mưa rét, hàng trăm phụ huynh cùng các cháu nhỏ 3, 4 tuổi vẫn co ro xếp hàng tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương chờ lấy số xét nghiệm tìm sán lợn.
Theo ông Khoa, hiện nay trên các phương tiện truyền thông đăng tải rất nhiều thông tin về việc người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đưa con về làm xét nghiệm sán và một số ký sinh trùng khác tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
Về vấn đề này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị 2 đơn vị trên báo cáo tình hình xét nghiệm sán và một số ký sinh trùng khác tại các đơn vị trong những ngày qua: tổng số xét nghiệm từng loại, kết quả xét nghiệm.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng yêu cầu 2 đơn vị nói trên phân tích kết quả xét nghiệm về độ nhạy, độ đặc hiệu của các xét nghiệm trên; Vai trò chẩn đoán xác định người bệnh có bị nhiễm sán và một số ký sinh trùng được xét nghiệm của các xét nghiệm có kết quả dương tính.
Ông Khoa cũng đề nghị, 2 đơn vị nói trên báo cáo về công tác truyền thông, tư vấn của các đơn vị cho người dân và cộng đồng để người dân hiểu đi kiểm tra và điều trị khi cần thiết, đồng thời kiến nghị các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp giải quyết.
Mọi thông tin được yêu cầu báo cáo gửi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 20/3/2019 để Cục tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế.
Những ngày qua, thông tin về việc hàng loạt trẻ mầm non ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh có kết quả dương tính với sán lợn do nghi ăn phải thịt lợn gạo đã khiến dư luận hết sức hoang mang.
Tính đến 21 giờ ngày 17/3 đã ghi nhận có 209 trẻ em tại Bắc Ninh dương tính với sán lợn gạo. Hiện nay, theo ước tính đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng do quá tải số ca xét nghiệm các trường hợp thuộc diện có nguy cơ mắc bệnh.
Để phòng tránh bệnh sán lợn, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:
- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm, phải tuân thủ quy tắc: “ăn chín, uống sôi”, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
- Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống (do nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành); không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh (do có nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.
- Cần quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
Không nuôi lợn thả rông.