Hà Nội đề xuất việc đổi xe cũ lấy xe máy mới trước ngày 15/9
Theo tin tức từ Tiền Phong, mới đây, đại diện Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, sau khi nhận được đề xuất của Sở TN&MT, Văn phòng UBND thành phố đã có văn bản số 7379/VP-ĐT gửi các sở ngành liên quan.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Tài chính, TT&TT, VH&TT, các quận có liên quan trao đổi, cho ý kiến và thống nhất đề xuất về chương trình trên. Báo cáo nội dung cụ thể với UBND thành phố trước ngày 15/9/2020.
Trước đó, Sở TN&MT Hà Nội đã trình đề xuất thành phố Hà Nội chấp thuận chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”.
Ảnh minh họa
Theo đó, đơn vị thực hiện lập 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông để triển khai chương trình. “Khi người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp”, đại diện đơn vị triển khai thông tin.
Đề xuất cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000. Ngoài ra, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. “Khí thải từ các phương tiện này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân Thủ đô”, đề xuất tóm tắt nêu hệ lụy.
Từ thực tế trên, để từng bước cải thiện chất lượng không khí, tránh ô nhiễm môi trường và Tai nạn giao thông, Sở TN&MT Hà Nội đề xuất UBND thành phố chấp thuận cho triển khai thì điểm chương trình trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 9 - 12/2020.
Sập cổng trường mầm non, 3 học sinh thiệt mạng
Chiều ngày 7/9, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Trâm - Bí thư xã Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, Lào Cai) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra sự việc sập cổng trường mầm non khiến 3 học sinh thiệt mạng.
Theo đó, vào khoảng 13h30 cùng ngày, tại Trường mầm non Bản Phung, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã xảy ra sự cố sập cổng trường mầm non khiến 3 cháu nhỏ thiệt mạng.
"Công an đang phối hợp với các lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường sự việc. Qua báo cáo ban đầu, có 3 cháu nhỏ bị thiệt mạng, về danh tính các nạn nhân và nguyên nhân sự việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ", bà Trâm cho biết.
Theo bà Trâm, khu vực xảy ra vụ đổ sập cổng trường nằm trên nền đất dốc, nhiều ngày nay xảy ra mưa lớn, khiến mặt đất mềm nhão. Hiện lực lượng chức năng đang tích cực điều tra nguyên nhân sự việc.
Trăn dài 5 m nuốt chửng con dê 10 kg
Tin tức từ Tri thức trực tuyến cho hay, anh H.V.H. (ngụ xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) chiều ngày 7/9 khi ra chuồng dê ở khu vực rừng Hố Nước giáp xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức phát hiện một con trăn dài gần 5 m.
Thấy con trăn đang cuộn tròn, bụng phình to, anh H. nghi ngờ con trăn đã nuốt con dê của mình.
Con trăn được người dân bắt. Ảnh Tri thức trực tuyến
Anh H. sau đó kêu người phụ giúp vây bắt con trăn, khi đến nhà, trăn đã chết. Sau khi mổ bụng trăn, người dân lấy ra con dê nặng khoảng 10 kg. Con trăn sau khi mổ bụng có cân nặng 22 kg.
Theo người dân, thời gian qua một số hộ chăn nuôi gia súc trên núi mất dê và lợn. Họ nghi ngờ thủ phạm là những con trăn lớn trong rừng.
Được biết, đây là trăn gấm, có trong sách đỏ Việt Nam, nghiêm cấm khai thác và sử dụng. Khu vực phát hiện con trăn là đồi núi rừng tự nhiên, có nhiều hang động nên có rất nhiều trăn sinh sống.
Đà Nẵng tiếp tục đóng cửa các dịch vụ du lịch, giải trí
Mới đây, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình đã ký văn bản yêu cầu tiếp tục tạm dừng các hoạt động dịch vụ lữ hành, khu điểm du lịch và các hoạt động dịch vụ du lịch khác trên địa bàn TP.Đà Nẵng cho đến khi có thông báo mới.
Riêng các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn thành phố đã được phép đón, phục vụ khách trở lại kể từ 0h ngày 5/9. Tuy nhiên, trong quá trình đón, phục vụ khách, các cơ sở lưu trú chỉ được kinh doanh dịch vụ lưu trú và phục vụ ăn uống tại phòng cho khách.
Ảnh minh họa
“Tất cả các loại hình dịch vụ khác tại cơ sở lưu trú tiếp tục tạm dừng cho đến khi có thông báo mới, như: Vũ trường, karaoke, bar, pub, rạp chiếu phim, spa - massage, trò chơi điện tử, trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài, casino, thư viện, biểu diễn nghệ thuật, vui chơi và giải trí trong nhà, thể dục thể hình, khiêu vũ thể thao, bi-a, yoga, bể bơi,…”, Sở Du lịch TP.Đà Nẵng yêu cầu.
Sở này yêu cầu thêm: Tại các khu vực công cộng, nơi thường xuyên tập trung đông người trong cơ sở lưu trú như sảnh lễ tân, hành lang,… không được tụ tập quá 20 người; khoảng cách giữa nhân viên và các nhóm khách luôn đảm bảo tối thiểu 1m; thường xuyên mang khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay sát khuẩn,…
Đồng thời, mọi hành khách tới Đà Nẵng phải khai báo y tế, khi rời khỏi nơi lưu trú phải khai báo lịch trình di chuyển hàng ngày. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm lưu đầy đủ các tờ khai của tất cả khách lưu trú theo ngày, đảm bảo việc truy xuất thông tin khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
“Đề nghị giám đốc các doanh nghiệp tiếp tục quán triệt đến đội ngũ nhân viên, người lao động của đơn vị tự giác chấp hành nghiêm các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch: Hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết; bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giao tiếp, làm việc, tại nơi công cộng, nơi đông người, trên phương tiện công cộng,…”, văn bản của Sở Du lịch TP.Đà Nẵng nêu rõ.