Tin mới

Người đàn ông 15 năm không mặc quần áo vì tai nạn giao thông

Thứ năm, 09/10/2014, 14:52 (GMT+7)

Từ một thanh niên khỏe mạnh, sau vụ tai nạn, anh Bách trở thành người bại liệt. Không quần áo, nửa người của anh phủ kín bởi màn ngủ để tránh ruồi, muỗi đậu vào vết thương.

Từ một thanh niên khỏe mạnh, sau vụ tai nạn, anh Bách trở thành người bại liệt. Không quần áo, nửa người của anh phủ kín bởi màn ngủ để tránh ruồi, muỗi đậu vào vết thương.

Mặc dù 15 năm đã trôi qua, nhưng khi nhắc lại vụ tai nạn ngày trước, anh Phạm Danh Bách (36 tuổi, trú 120/43 Y Wang, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vẫn chưa hết bàng hoàng. Không quần, không áo, nửa người dưới của anh phủ kín bởi màn ngủ để tránh ruồi, muỗi đậu vào vết thương. Bên bụng là ống dẫn được các bác sĩ đặt để đưa nước tiểu ra ngoài.

Là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em, do hoàn cảnh khó khăn, cha bỏ lại 4 mẹ con anh để cưới người khác. Mọi gánh nặng đổ lên vai người mẹ. Hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình, đang học lớp 9, Bách bỏ học, đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi các em học hành.

Sau khi xuất ngũ vào năm 1999, anh vào Sài Gòn tìm việc làm. Được nhận vào xưởng mỹ nghệ, anh rất chăm chỉ mong kiếm nhiều tiền để mẹ đỡ vất vả. Thế nhưng, mọi ước mơ, hi vọng vụt tắt khi vào một sáng đầu tháng 5/1999, anh cùng 10 người bạn đi đá bóng, trên đường về thì tai nạn ập tới.

15 năm qua anh Bách chỉ nằm 1 chỗ.

"Lúc đó tôi là người đi bộ sau cùng trên lề đường. Bỗng nhiên từ trong hẻm 2 thanh niên phóng xe máy tông thẳng vào tôi. Tôi bị hất văng ra đường, khi chiếc xe khách đang chạy tới. Trong tích tắc, mọi thứ trước mắt tối sầm lại. Tỉnh dậy, thấy mình nằm trong bệnh viện, mới biết vừa bị xe khách cán nát nửa người", anh Bách kể.

 

Suốt 1 năm nằm điều trị, chuyển viện 4 lần, anh chết đi sống lại mấy lần. "Giữ lại được mạng sống quả là điều kỳ diệu", anh chia sẻ.

 

Hậu quả của vụ tai nạn đã khiến anh bị gãy cột sống thắt lưng, liệt tủy, mất vĩnh viễn 80% sức khỏe, hai chân teo lại không có khả năng phục hồi. Trải qua thời gian, 2 chân của anh khô cứng, đinh và nẹp vít lòi ra ngoài. Do khó khăn về chế độ dinh dưỡng nên những vết thương trên chân rất khó lành, dễ bị nhiễm trùng và hoại tử.

Để cứu con, trong nhà có thứ gì đáng giá mẹ anh đều bán sạch. Vào bệnh viện chăm sóc con, ngoài việc chạy vạy vay mượn, bà Phạm Thị Thìn (60 tuổi) còn nhận giặt áo quần thuê mong kiếm thêm chút tiền trang trải thuốc men.

Bà Thìn nhớ lại: "Ngày thằng Bách về nhà, tôi còn nợ bệnh viện 60 triệu viện phí. Vì không có khả năng trả, tôi xin lãnh đạo bệnh viện cho ở lại dọn dẹp vệ sinh để trả nợ. Thấy hoàn cảnh 2 mẹ con quá khó khăn, bệnh viện đã xóa hết nợ để tôi về nhà chăm sóc con".

Mặc dù đã bước qua tuổi 60, nhưng hàng ngày bà Thìn vẫn phải đi làm thuê với tiền công 60.000 đồng/ngày để trang trải cuộc sống, lo thuốc men cho anh Bách và nuôi 3 đứa cháu mồ côi con của người con trai lớn đã qua đời.

Vừa chăm sóc vết thương cho con, bà Thìn nghẹn ngào: “Ngày nào có tiền thì nó có thuốc uống, không có thì phải chịu đau đớn, nhất là vào mùa đông. Những lúc như thế, tôi chỉ biết ứa nước mắt. Giờ chỉ mong mình mãi khỏe để lo cho con, nhưng tới lúc về với ông bà tổ tiên thì không biết thằng Bách sẽ thế nào?".

Chị Nguyễn Thị Tươi - Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ tổ dân phố 4 (phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột) - cho biết suốt 15 năm qua và đến hết cuộc đời, anh Bách phải nằm một chỗ. Hoàn cảnh gia đình bà Thìn lại quá khó khăn, một tay mẹ già lo toan từ ăn, ở, thuốc men cho tới vệ sinh cá nhân con con tàn tật. Riêng lo tiền thuốc hàng ngày cho Bách, người mẹ già cũng đủ lao đao.

Tai nạn đã cướp đi ước mơ, hạnh phúc của anh Bách. Nhưng bằng nghị lực, anh đã chiến đấu với bệnh tật suốt thời gian qua. Không than vãn, không bi quan chán nản, anh luôn cười tươi với cuộc sống vì: "Mình phải yêu đời chứ đừng chờ cuộc đời yêu lấy mình".

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news