Mới đây, video của một người đàn ông người Syria tên Hassan Al Kontar đã được rất nhiều người biết đến và trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội. Trong video, anh chia sẻ về câu chuyện bị mắc kẹt tại sân bay Malaysia gần 40 ngày qua và kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng.
Hassan Al Kontar, một công dân nước Syria, cho biết anh đã bị mắc kẹt tại sân bay Malaysia gần 40 ngày qua.
Sau khi bị từ chối nhập cảnh tại một số quốc gia, người đàn ông 36 tuổi này đã buộc phải coi sân bay Quốc tế Kuala Lumpur như ngôi nhà tạm thời của mình. Anh đã tắm rửa tại nhà vệ sinh công cộng và sống qua ngày nhờ thức ăn do nhân viên sân bay rộng lượng cung cấp.
Mới đây, video do Hassan đăng tải đã được rất nhiều người biết đến và trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội. Trong video, anh diễn tả sự chán nản và tuyệt vọng của bản thân, thế nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh việc mọi người đã tốt bụng giúp đỡ mình như thế nào.
Người đàn ông này đã rời bỏ Syria 8 năm trước để tránh phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Hiện nay, anh rất sợ bị bắt và phải tham gia chiến tranh nếu quay trở về quê nhà.
Trước đây, Hassan từng là một nhân viên kinh doanh bảo hiểm. Sau khi rời Syria, anh nhập cảnh trái phép vào Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, nơi anh phải sống trong xe ôtô và làm việc chui để tồn tại mỗi ngày. Một thời gian sau cuối cùng anh cũng có được giấy phép lao động hợp pháp, thế nhưng nó lại trở nên vô hiệu khi cuộc chiến tranh tại Syria bùng nổ. Mất phương hướng, anh quyết định bay tới Malaysia, một quốc gia cho phép người Syria nhập cảnh 90 ngày mà không cần visa.
Tại Malaysia, anh đã cố gắng kiếm tiền để bay đến Ecuador, nơi người ta cho phép công dân Syria nhập cảnh tự do, và đồng thời cũng là nơi anh có gia đình họ hàng.
Hassan Al Kontar
Thế nhưng hãng hàng không Turkish đã từ chối anh vào phút cuối mà không có lý do rõ ràng, khiến anh mất gần như toàn bộ số tiền mình đang có. Anh đành phải đổi hướng bay tới Campuchia nhưng cũng bị cục nhập cảnh tại đây từ chối. Nguyên nhân có thể là do trên người anh không đủ số tiền mặt quy định để nhập cảnh dưới cương vị khách du lịch. Tuyệt vọng, anh quay trở lại Malaysia nhưng cũng không được cho phép tái nhập cảnh.
Suốt quãng thời gian ở sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, anh đã cố gắng cập nhật tình của mình qua các video đăng tải trên Twitter nhằm kêu gọi sự trợ giúp từ mọi người.
Trả lời BBC, anh cho biết: "Tôi đã quá kiệt sức và mệt mỏi. Tôi cần sự giúp đỡ đến tuyệt vọng. Sống một cuộc sống bất định khiến tôi muốn phát điên. Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa."
"Khi cả thế giới quay lưng chỉ vì bạn là người Syria. 26 ngày mắc kẹt tại sân bay Kuala Lumpur và vẫn đang ngày ngày mong có người nghe thấy câu chuyện của mình", anh Hassan viết trên Twitter.
Hiện tại, Hassan chỉ mong có một quốc gia sẽ cho phép anh nhập cảnh và được sống và làm việc theo đúng nghĩa đen mà không phải chui lủi giấu diếm.
Anh cũng nhấn mạnh rằng quay trở lại Syria là biện pháp anh không muốn suy xét đến.
"Tôi không muốn quay trở về Syria không phải vì tôi là kẻ hèn nhát, cũng không phải vì tôi không biết đánh nhau, lý do đơn giản chỉ vì tôi không tin vào chiến tranh. Tôi không muốn trở thành cỗ máy giết chóc và làm hại chính người dân nước mình!", Hassan bày tỏ.
Hassan đã cố gắng thử nhiều cách để khiến mọi người lắng nghe câu chuyện của mình. Anh đã từng gửi tweet đến các chính trị gia trên Thế Giới như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Anh cũng thử cố liên lạc với diễn viên Tom Hanks, người đã từng đóng bộ phim "The Terminal" vào năm 2004, kể về một người đàn ông có tình huống tương tự khi bị mắc kẹt tại sân bay New York trong nhiều ngày.
Sau khi câu chuyện của Hassan trở nên nổi tiếng, nó đã gây sự chú ý với nhiều tổ chức hoạt động nhân quyển cũng như Chính phủ Malaysia.
Đại diện của Thủ tướng Malaysia cho biết họ đã nhận được thông tin về trường hợp của Hassan al-Kontar và hiện tại đang xem xét việc cho Hassan "sự thông qua đặc biệt" để anh tạm thời có thể nhập cảnh vào nước này trước khi tìm ra biện pháp lâu dài hơn.
Theo tờ Guardian, có rất nhiều câu chuyện tương tự đã từng xảy ra với người dân Syria. Năm 2015 ghi nhận trường hợp của một người bố và 4 đứa con quốc tịch Syria thậm chí còn bị mắc kẹt tại sân bay Ấn Độ đến hơn 50 ngày.
"Đây không phải vấn đề của riêng mình tôi", Hassan nhấn mạnh, "Đây là vấn đề của hàng ngàn người Syria khác, những con người luôn cảm thấy bị ghét bỏ, từ chối và không ai mong muốn".
Theo Helino/Trí thức trẻ