Nhà Thanh hay còn được gọi là Trung Hoa Đại Thanh quốc, Mãn Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc. Nguồn gốc của người Mãn Châu là người Nữ Chân, hoàng tộc Ái Tân Giác La là một bộ tộc của Kiến Châu Nữ Chân.
Theo báo cáo từ cuốn Lịch sử Quốc gia nhân văn, Bát kì Mãn Châu thị tộc thông phổ được biên soạn từ năm Ung Chính thứ 13 của nhà Thanh có tổng cộng 1.114 họ Mãn Châu. Trong số đó có 8 dòng họ lớn được gọi là Mãn tộc Bát đại tính.
Theo Sohu, giới quý tộc nhà Thanh có tám dòng họ chính hay còn gọi là Mãn tộc Bát đại tính hay Mãn Châu Bát đại tính. Trong số đó, Ái Tân Giác La là dòng dõi hoàng thất. Tám dòng họ quý tộc Mãn Châu nằm trong Bát kỳ Mãn Châu hiện vẫn chưa thống nhất do có nhiều tài liệu, nhiều nguồn. Có đôi lúc, số lượng thống kê còn nhiều hơn 8 họ tộc.Theo Bát Kỳ Mãn Châu thị thông phổ, tám dòng họ quý tộc nhà Thanh gồm: Qua Nhĩ Giai thị, Nữu Hỗ Lộc thị, Thư Mục Lộc thị, Hách Xá Lý thị, Tha Tháp Lạt thị, Giác La thị, Đông Giai thị, Na Lạp thị.
Theo Thanh triều dã sử đại quán, tám dòng họ quý tộc lại gồm: Qua Nhĩ Giai thị, Nữu Hỗ Lộc thị, Thư Mục Lộc thị, Nạp Lạt thị, Đổng Ngạc thị, Mã Giai thị, Y Nhĩ Căn Giác La thị, Huy Phát thị. Theo Khiếu đình tạp lục thống kê lại gồm: Qua Nhĩ Giai thị, Nữu Hỗ Lộc thị, Thư Mục Lộc thị, Nạp Lan thị, Đổng Ngạc thị, Huy Phát thị, Ô Lạt thị, Y Nhĩ Căn Giác La thị, Mã Giai thị.
Theo tài liệu lưu truyền dân gian mà Đạo hàm dã lai triều dã tạp ký liệt kê gồm: Qua Nhĩ Giai thị, Nữu Hỗ Lộc thị, Thư Mục Lộc thị, Na Lạp thị, Hoàn Nhan thị, Phú Sát thị, Phí Mạc thị, Chương Giai thị. Theo lưu truyền của các tộc Bát kỳ vùng Quan ngoại liệt kê lại gồm: Đông Giai thị, Qua Nhĩ Gia thị, Mã Giai thị, Tác Xước La thị, Tề Giai thị, Phú Sát thị, Na Lạp thị, Nữu Hỗ Lộc thị.
Tuy nhiên, sau khi nhà Thanh sụp đổ, tàn dư cũng như hậu nhân của dòng dõi hoàng gia, Mãn tộc Bát đại tính đều sống ẩn dật. Sự tồn tại của những dòng họ này cũng hiếm khi thấy. Ngày nay, ít ai còn sử dụng họ của giới quý tộc nhà Thanh.
Theo Sohu, nguyên nhân khiến dòng họ quý tộc nhà Thanh ngày nay hiếm thấy vì nhiều lý do khác nhau. Khi nhà Thanh ở bên bờ vực sụp đổ, con cháu của dòng dõi hoàng thất người Mãn Châu khi đó thường xuyên bị truy lùng, tìm cách diệt trừ. Để bảo toàn mạng sống và hậu duệ của dòng dõi hoàng gia, những người may mắn sống sót chỉ còn một cách duy nhất là thay tên đổi họ. Phần lớn dòng dõi họ Ái Tân Giác La đổi sang họ Kim, họ Qua Nhĩ Giai thị đổi thành họ Quan, Nữu Hỗ Lộc thi đổi sang họ Lang hoặc họ Nữu.
Đây là cách duy nhất giúp hậu duệ dòng dõi quý tộc nhà Thanh sống sót qua thời kỳ binh biến lịch sử.
Trên thực tế, ngay từ thời Càn Lan, một số người trong dòng họ Nữu Hỗ Lộc thị đã đổi sang họ Lang theo phiên âm. Tuy nhiên, việc thay đổi họ trên quy mô lớn phải đợi đến sau Cách mạng năm 1911. Vào thời Bắc Dương những năm đầu dân quốc, việc đăng ký nơi sinh do Bộ Nội vụ quản lý vẫn duy trì theo thông lệ của nhà Thanh. Điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền vẫn giữ nguyên sự phân biệt giữa "Kỳ nhân" (người Mãn Thanh) và người dân thường. Để tránh sự phiền toái, hầu hết hậu duệ của các dòng họ quý tộc nhà Thanh đã làm đơn xin đổi thành thường dân, họ cũng được đổi theo từ đây.
Nguyên nhân khiến những người Mãn Châu đổi họ sau khi nhà Thanh sụp đổ cũng được Phổ Nghi - vị hoàng đế cuối cùng của Thanh triều viết trong cuốn hồi ký “Nửa đời trước của tôi” dày 590 trang. Trong cuốn hồi ký, Phổ Nghi cho biết, khi triều đình sụp đổ, những người sống sót bị truy đuổi khắp nơi. Để tìm cách tồn tại, họ buộc phải đổi họ. Dòng dõi hoàng tộc đổi thành họ Kim, Qua Nhĩ Giai thị đổi sang họ Quan, ... nếu không đổi họ chắc chắn không sống nổi mà cũng chẳng tìm được việc làm tử tế để sinh tồn trong thời dân quốc.