Nam Phương Hoàng Hậu với khuê danh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 14/12/1913 tại vùng đất Gò Công, Tiền Giang. Nam Phương Hoàng Hậu, người phụ nữ mở đầu cho một thế hệ nữ quyền của nữ nhân chốn hậu cung, đồng thời cũng là người chứng kiến ngày “cáo chung” của chế độ phong kiến cuối cùng tại Việt Nam. Cuộc đời thời trẻ của Hoàng Hậu giống như một giấc mộng cổ tích đối với tất cả thiếu nữ thời bấy giờ.
Nam Phương Hoàng hậu sở hữu vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt trái xoan thanh tú, ánh mắt nhỏ nhưng tinh anh. Bà là hiện thân cho nét đẹp dịu dàng nhưng tri thức. Vẻ đẹp của Nam Phương Hoàng hậu khiến Vua Bảo Đại say đắm từ cái nhìn đầu tiên.
Năm 1933, Nam Phương lần đầu tiên gặp vua Bảo Đại tại bữa tiệc của quan Đốc lý người Pháp. Từ đó, bà đã khiến trái tim của vua Bảo Đại ngày nhớ đêm mong.
Nam Phương Hoàng Hậu là một bà Hoàng đặc biệt, khi không thấm nhuần những tư tưởng của Nho giáo. Bà mang trong mình hai tư tưởng Đông – Tây hài hòa, được thể hiện rõ qua lối phục sức suốt 11 năm ngồi trên phượng vị.
Nam Phương Hoàng hậu là người có gu thời trang vô cùng sành điệu và nổi bật. Trong những sự kiện sang trọng mang tính quốc tế, Nam Phương Hoàng Hậu thường sẽ lựa chọn những mẫu đầm liền tôn dáng, đi kèm là áo choàng dài phom dáng đứng, được đính kết cầu kỳ hoặc không nhằm tỏ rõ sự hợp thời và tương xứng về đẳng cấp khi đón tiếp các nước bạn. Bà cũng chải tóc cao về phía sau, uốn xoăn và làm phồng phần mái, lộ ra nhan sắc mặn mà và đài các của mình.
Trong những tài sản của Nam Phương Hoàng hậu, đến nay có một cổ vật có giá trị vô cùng đắt đỏ. Đó chính là chiếc bát ngọc. Theo những thông tin được chia sẻ trên website của Drouot, chiếc bát ngọc của vua Tự Đức được làm bằng ngọc bích, đường kính 14,5 cm; cao 6,2 cm. Trên thân bát khắc nổi 2 con rồng đang bay lượn với xung quanh là mây, viền bát làm bằng vàng. Đáy của bát có khắc dấu chữ triện với nội dung là "Tự Đức niên tạo".
Chiếc bát này nằm trong bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương do bà sưu tầm lúc sinh thời, sau đó, bộ sưu tập này của bà đã được truyền lại cho công chúa Phương Mai, con gái của bà.
Ban đầu, nhà đấu giá Drouot đưa ra dự đoán rằng bát ngọc của vua Tự Đức sẽ được bán với giá 30.000 – 50.000 Euro (khoảng 735 triệu đến 1,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau nhiều lần trả giá, tác phẩm này đã được 1 nhà sưu tập mua với giá 845.000 euro (20,7 tỷ đồng).
Vật phẩm đạt mức giá bán cao thứ hai sau bát ngọc bích là một chiếc nghiên mực của vua Khải Định. Chiếc nghiên này có xuất xứ từ cung An Định ở Huế. Thông tin từ nhà đấu giá Drouot cho biết nghiên mực này được làm bằng ngọc thạch trắng tinh khiết. Phần nắp của nghiên mực được chạm trổ hình lá và hoa súng và khắc chữ "Bảo vật của học giả triều đinh".
Phần nghiên đựng có một phần lõm xuống được dùng để đựng mực. Chiếc nghiên đặt trên một chiếc đế có chạm trổ nhiều bông hoa sen. Phía dưới đáy nghiên được khắc dòng chữ "Vào năm Khải Định thứ tư (1916 – 1925), Tuyên Hoàng đã bán một nghiên ngọc thạch trắng với giá 120 lạng bạc. Nó được đặt trong phủ cung An Định". Chiếc nghiên được bán với giá 286.000 Euro (khoảng hơn 7 tỷ VND).