Những ngày qua, thông tin về chị Nguyễn Kim Hon (43 tuổi, ngụ ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), người mất tích suốt 22 năm qua, đã được gia đình khai tử và làm giỗ đều đặn hàng năm nhưng mới được người dân tìm thấy ở cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn giáp Trung Quốc đã khiến nhiều người xôn xao.
Chị Hon cùng người thân đến cúng Phật tại Chùa Quán âm Phật đài, TP Bạc Liêu. Ảnh: FB
Theo nguồn tin trên báo Tuổi trẻ, khoảng 3h sáng 4/7, chị Hon đã đáp chuyến bay muộn nhất trong đêm về đến sân bay Cần Thơ. Đi cùng chị Hon từ Lạng Sơn về Hà Nội và trên chuyến bay từ sân bay quốc tế Nội Bài về Cần Thơ là ông Nguyễn Văn Tẵng (51 tuổi), anh trai ruột chị Hon.
Cuộc đoàn viên cảm động của 2 anh em chị Hon sau 22 năm xa cách. Ảnh: TP
Được biết, đến 6h sáng cùng ngày, chị Hon đã đoàn tụ cùng gia đình ở quê.
Chị Nguyễn Kim Hon kể lại quãng thời gian tủi nhục cho anh chị em và hàng xóm. Ảnh: TT
Nghe tin chị trở về, những người hàng xóm đến rất đông để nhìn thấy chị Hon sau nhiều năm bặt tin và những ngày mong chờ nhằm chung vui cùng gia đình chị.
Sau những giây phút trùng phùng xúc động, chị Hon đã ôm người thân khóc rồi chia sẻ về câu chuyện đã qua. Câu chuyện cuộc đời chị Hon được chị kể lại bằng tiếng Trung (chị vẫn chưa thể diễn đạt bằng tiếng Việt).
Chính quyền có mặt kịp thời hướng dẫn gia đình làm các thủ tục tư pháp cho chị Hon sau 22 năm đoàn tụ. Ảnh: Lao động
Chia sẻ với Tiền phong, khoảng đầu năm 1997, cô gái 21 tuổi Nguyễn Kim Hon rời quê lên thành phố Bạc Liêu làm thuê cho các nhà hàng.
"Vào đêm 2/5/1997, có một thanh niên lớn hơn tôi chừng 2-3 tuổi nài ép tôi ăn một bát cơm có thức ăn đầy và một ly rượu màu. Thế rồi, tôi không còn biết gì nữa. Tỉnh dậy tôi đã thấy mình ở Trung Quốc", chị Hon nói và cho biết nơi cô bị nhốt có khoảng 20 cô gái toàn người Việt còn trẻ, đều là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Ngay tối hôm đó, các cô phải xếp hàng để khách làng chơi "vui vẻ'.
Khi chị Hon và một vài cô không chịu tiếp khách liền bị nhốt vào một phòng nhỏ, bị tra tấn dã man như thời trung cổ.
Từ đó, chị Hon buộc phải đi từ Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây), sang tỉnh Phúc Kiến, Ôn Châu làm trò mua vui cho các đại gia. Có những lần cô phải tiếp trên chục khách.
Một hôm trời mưa thấy bọn "ma cô" lơ là, cô trốn thoát khỏi ổ điếm, chạy như ma đuổi về phía con đường vắng. Đi mãi, cô lọt vào một nghĩa địa rồi thiếp đi bên một ngôi mộ lớn có mái vòm.
Tỉnh dậy, chị thấy mình đang nằm trong một góc nhà lạnh lẽo chính là nơi "tổ quỷ" mà cô vừa trốn ra. Sau đó, 1 tú bà ra lệnh cho 3 thanh niên xăm trổ đầy mình giữ tay chị Hon rồi tiêm vào người cô một thứ thuốc màu nâu đục.
"Sau một đêm lì bì, tôi bị tẩy não. Suốt 3 năm trời, tôi như người mất hồn, không nói được câu nào. Tôi cũng chẳng biết mình là ai, từ đâu tới. Khi hết thuốc thì quên luôn tiếng mẹ đẻ...Tuy vậy, trong tiềm thức của tôi luôn thường trực câu hỏi tôi là người dân tộc Choang, người Lào hay Thái Lan?", nguồn tin trên dẫn lời chị Hon nhớ lại quãng thời gian kinh hoàng.
Sau gần 10 năm trời tàn tạ, thân thể gầy yếu, chị Hon được đám ma cô "đào thải". Những ngày đen tối tiếp nối, chị trải qua 6 lần bị đem bán để làm "osin" và làm vợ ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc. Cuối cùng, chị bị bọn chúng bán cho một gã đàn ông ở một làng xa xôi Phú Điển, tỉnh Phúc Kiến với giá 6 vạn nhân dân tệ (trên 200 triệu đồng).
Tại đây, chị Hon được chồng và gia đình bên nội yêu thương, giúp đỡ hòa nhập với cộng đồng. Mẹ chồng thường xuyên trò chuyện và dạy Hon biết tiếng địa phương, các phong tục, tập quán.
Thế nhưng cách đây chừng 4 năm, bà mắc bạo bệnh rồi mất. Những ngày để tang mẹ chồng, người phụ nữ bất hạnh được nghỉ việc đồng áng. Một hôm, trên truyền hình có phát một bộ phim mà cô mang máng nghe được 2 từ "ăn cơm" rồi có số đếm 1,2,3,4. Chị hỏi chồng, bộ phim này của nước nào? Chồng cô đáp: 'Việt Nam".
Cô bỗng bừng tỉnh rồi hàng đêm cứ nhâm nhẩm 2 chữ "Việt Nam". Từ đây, cô tâm niệm chắc chắn mình là người Việt, và âm thầm mong mỏi được trở lại cố hương.
Cuối năm 2018, sau 8 năm chung sống song do Hon không thể sinh con, ông chồng đón về nhà một người phụ nữ. Cô bị chồng ghẻ lạnh, xa lánh, thậm chí bị chồng vô cớ đánh đập và cuối cùng bị tống cổ ra khỏi nhà vào một đêm mưa bão.
"Ông ấy nhậu hằng ngày và sau mỗi lần nhậu là tôi bị đánh, sau này thấy ông ấy nhậu là tôi không dám hé răng để tạm được yên thân. Có lần bị đánh vào hông đau dữ dội, tôi năn nỉ được chở vào bệnh viện nhưng không được chở đi. Tôi cứ chịu đựng qua cơn đau…
Không cha không mẹ, không người thân quen, tôi dường như phải sống một mình, tự làm hết mọi việc. Đó là những cái tôi sợ nhất khi nhớ về những tháng ngày bị đày đọa vừa qua", trên Tuổi trẻ dẫn lời chị Hon nói.
Sau khi rời khỏi nhà chồng, chị Hon lang thang đến khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. Tại đây, cô chỉ uống nước suối trong 3 ngày, niệm phật mong chỉ đường, dẫn lối về quê hương.
Được người tốt mách bảo, cô tìm đến các đồn công an nước sở tại. Cuối cùng cô được cơ quan chức năng đưa đến đường mòn phân gianh giữa 2 nước Trung- Việt.
"Rất may, lúc ở gần biên giới nhất, tôi nhờ được một người xe ôm chở thẳng tới khu vực biên giới tìm đường đến đồn cảnh sát Việt Nam. Đến đây, tôi gặp được những người ở Lạng Sơn cứu giúp", chị Hon thuật lại hành trình tìm về quê hương của mình.
Được biết, về đến nhà, chị Hon gọi chính xác tên anh, chị ruột của mình. Chị cũng kể được anh, chị nào có mấy người con, các cháu tên gì.
Trao đổi với PV Lao động, ông Bùi Quốc Lĩnh, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội của UBND xã Long Điền Đông, nói rằng đã túc trực tại nhà cụ Hến (mẹ chị Hon) suốt 3 ngày qua để hỗ trợ gia đình khi cần xử lý những việc liên quan đến chị Hon.
Theo ông Lĩnh, do người phụ nữ này không có giấy tờ tùy thân nên chính quyền địa phương đã làm giấy tờ bảo lãnh để chị Hon mua vé máy bay. Lịch trình ông Tảng đi đón chị Hon và 2 anh em cùng về, ông Lĩnh nắm rõ nhưng không tiết lộ cho báo chí nhằm đảm bảo an toàn.