(Tinmoi.vn) – Dù những ngôi mộ nằm sát vách tường, thẳng cửa sổ hay lối ra vào nhưng những người dân Thủ đô vẫn tỏ ra không hề lo ngại hay sợ hãi.
Những ngôi mộ giữa khu dân cư
Giữa khu dân cư đông đúc nhộn nhịp, khu trường học, trạm y tế, thậm chí cả những tòa nhà chung cư cao cấp lại lọt thỏm những ngôi mộ nằm san sát ven nhà dân, khiến bao người đi qua cũng phải ớn lạnh. Thế nhưng, cuộc sống những người dân nơi đây vẫn diễn ra hết sức bình thường.
Đó là cuộc sống của những người dân gần khu nghĩa địa ở thôn Hạ, Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội). Theo lời người dân nơi đây, nghĩa trang này là một khu nghĩa trang tự phát. Khoảng chục năm về trước, nơi đây chỉ là một khu đất trũng và có một vài ngôi mộ nằm đó từ lâu. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, những nấm mộ ngày càng nhiều lên, người này nối tiếp người kia cứ thế đưa những vong linh của nhân thân ra khu đất này an nghỉ để tiện đường chăm sóc.
Khu nghĩa trang ở xã Mễ Trì nằm lọt giữa khu dân cư. |
Không chỉ gần nhà dân, mà nghĩa trang này lại còn nằm ngay phía trước và cách cổng của trường Tiểu học Mễ Trì B và trường Trung học cơ sở Mễ Trì chỉ vài mét, không tường bao, hàng rào che khuất.
Nghĩa trang cách cổng trưởng chỉ vài mét. |
Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội, thậm chí là ngay giữa lòng Thủ đô phồn vinh, vẫn có hàng ngàn những bãi tha ma nằm đan xen giữa nhà dân như vậy. Những ngôi mộ còn nằm ngay dưới chân tường nhà, ven sát cửa ra vào, cửa sổ của nhà dân. Và điển hình là những nghĩa trang nằm trong ngõ 68 Cầu Giấy hay trên đường chùa Láng, Láng Thượng - Đống Đa.
Khi tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt thì khoảng cách giữa người sống và người chết dường như đang dần được rút ngắn lại. Nhiều nhà dân, khu chung cư không ngần ngại xích lại gần hơn nghĩa trang, bất chấp cả những nỗi sợ hãi tâm linh hay Phong thủy nhà đất khi xây nhà có hướng thẳng ra nghĩa địa, thậm chí chỉ cách những nấm mồ một vài ..bước chân.
Những ngôi mộ nằm trong ngõ 68, Cầu Giấy, Hà Nội. |
Những ngôi mộ nằm lọt thỏm giữa khu dân cư tại ngõ 68 Cầu Giấy, hay tại tổ 12, Láng Thượng, quận Đống Đa cũng là những khu nghĩa địa đã có từ lâu, chưa được di dời. Những nấm mộ nằm san sát vách tường mà chỉ cần mở cánh cửa sổ hay cửa nhà là có thể đập ngay vào mắt.
Một nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ lớn nhỏ, cũ mới cũng chỉ được ngăn cách bởi bức tường lưng chừng, hoặc bỏ không, không có tường ngăn hay hàng rào nào cả. Và cứ như thế, mọi sinh hoạt của người dân vẫn rất …đều đặn.
Người sống- người chết không ranh giới
Khi tới gặp những người dân “sống chung” với những “bãi tha ma” này, chúng tôi khá ngạc nhiên bởi nếu trước đó nghĩ rằng cuộc sống của họ sẽ có khá nhiều khó khăn, bất tiện, hay thậm chí là sợ hãi, lo lắng vì những ý nghĩ tâm linh thì sự thật dường như ngược lại.
“Bây giờ người dương, người âm sống với nhau là chuyện bình thường, chúng tôi quen rồi nên chẳng có gì đáng sợ cả”. Đó là gì mà hầu hết những người dân dù sống ngay liền kề, thậm chí sống dưới cùng một mái nhà với những “hồn ma” đã chia sẻ.
Chị Ly, một người dân định cư lâu năm tại khu Mễ Trì và có nhà ngay trước cửa khu nghĩa địa cho biết: “Chúng tôi vẫn sinh hoạt bình thường, cũng không phải thờ cúng gì hết. Khu nghĩa trang này người ta chỉ cho phép chôn khô nên cũng không có ảnh hưởng gì đến nguồn nước sinh hoạt. Còn về tâm linh hay phong thủy, chúng tôi không lo lắng cho lắm”.
Cô Nguyễn Thị Lan, quê ở Vĩnh Phúc nhưng buôn bán và ở trọ khu này nhiều năm nay cũng chia sẻ rằng: “Người dân ở đây họ sống quen rồi, hồi mới tới cô cũng sợ nhưng giờ thì hết rồi. Trước đây, khu ven trường học người ta còn dựng nhà để ở, có nhà còn có cả mộ ở bên trong nhưng người ta vẫn ở thôi”.
Không chỉ người lớn, mà cả những đứa trẻ nhỏ, học sinh của trường Tiểu học Mễ Trì và trường Trung học cơ sở Mễ trì dường như, ngày nào cũng được “gặp mặt” nên các em cũng quen dần với người nấm mộ quanh đây.
“Ngày còn nhỏ, buổi tối chúng em không dám đi ra đường, bởi khu này không có đèn điện sợ lắm. Nhưng dần rồi cũng quen, mà ngày nào cũng đi học, chúng em không thấy sợ nữa”, một số học sinh trường Trung học cơ sở Mễ Trì chia sẻ.
Còn đối với những người dân đang sinh sống ở Ngõ 68 Cầu Giấy hay tổ 12 Láng Thượng, họ cũng chia sẻ rằng, dù những ngôi mộ nằm gần nhà như vậy đôi khi cũng bất tiện và thiếu mĩ quan nhưng sống lâu cũng thấy quen và không sợ nữa.
Hơn thế, những người dân quanh đây không phải chỉ có người dân “bản địa” mà còn có rất nhiều những người lao động ở xa, hay sinh viên thuê trọ. Dù sống mặt đối mặt với khung cảnh những nấm mồ nghi ngút khỏi hướng thẳng vào cửa nhà, nhưng vì cuộc sống, vì hoàn cảnh, rồi dần họ cũng đã thân quen rồi.
Cô Đặng Thị Loan, thuộc tổ 12, Láng Thượng-Đống Đa cho biết: Gia đình tôi sống ở đây từ xưa và cũng đã quen nghĩa trang này rồi. Nơi đây người ta chỉ cho phép chôn khô nên rất sạch sẽ và an toàn. Gia đình tôi còn tận dụng đất ven đây để trồng rau sạch ăn nữa”.
Vườn rau sạch của gia đình cô Loan. |
Khi những bộn bề cuộc sống ngày càng tạo thêm cho con người những lo toan, thì những sợ hãi hay lo lắng về tâm linh đâu còn là rào cản. Bất chấp những sợ sệt hay ô nhiễm môi trường, họ vẫn có thể sống và trở thành hàng xóm của những “ngôi nhà ma”, để rồi tần tạo tiếp tục kiếm sống, tiết kiệm từng đồng tiền nhỏ về giúp đỡ gia đình nơi quê xa.
Theo quy định về khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường khi xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa của Bộ Xây dựng: Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường nhỏ nhất từ nghĩa trang đến đường bao khu dân cư, trường học, bệnh viện, công sở... được quy định, đối với vùng đồng bằng, khoảng cách tối thiểu của nghĩa trang hung táng là 1.500m khi chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng, và 500m khi có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng. |
Ngô Hà