Tin mới

Ngượng chín mặt với lễ hội "Linh tinh tình phộc" tại Phú Thọ

Thứ bảy, 16/02/2019, 12:17 (GMT+7)

Lễ hội Trò Trám hay còn gọi là Linh tinh tình phộc là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp với ước mong vạn vật sinh sôi nảy nở.

Lễ hội Trò Trám hay còn gọi là Linh tinh tình phộc là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp với ước mong vạn vật sinh sôi nảy nở.

Sau Tết Nguyên đán hàng năm, nhằm ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, du khách du lịch lễ hội lại đổ về phường Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Phú Thọ tham gia lễ hội Trò Trám, hay còn gọi là hội “Linh tinh tình phộc”.

Đây là lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực cổ xưa của người Việt. Trải qua lịch sử, do chiến tranh và cũng bởi tư duy hẹp hòi cho rằng có phần dung tục, đã có lúc lễ hội này bị lãng quên. Mấy năm gần đây, lễ hội được phục dựng, gần như nguyên vẹn ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng cổ xưa…

Miếu Trò ngày xưa được thay thế bằng ngôi miếu mới khang trang hơn rất nhiều.

Ngôi miếu cổ, nơi diễn ra lễ hội Trò Trám gọi là miếu Trò, nằm ở rìa xóm Trám. Miếu Trò đóng cửa quanh năm, chỉ mở cửa đúng vào đêm 11, rạng sáng ngày 12 tháng Giêng. Trong miếu thờ linh vật (dân gian gọi là Nõ – Nường) của tín ngưỡng phồn thực – tín ngưỡng khởi nguyên và sơ khai của các tộc người trên trái đất, trong đó có dân tộc Việt. Năm nay, miếu Trò được xây dựng lại khang trang, bề thế hơn rất nhiều so với trước kia.

Trước đó, ngay từ tối đã diễn ra nhiều chương trình khắc họa bốn nghề chính trong đời sống (sỹ, nông, công, thương) được tổ chức phục vụ dân làng.

Đúng 12h đêm, chủ từ buổi lễ làm lễ tế, bắt đầu buổi "lễ Mật". Trước tiên là tung đồng tiền xu để cầu xin thần thánh. Đây cũng là lúc, linh vật được đưa ra ra từ nơi cất giấu linh thiêng trong ngôi miếu.

Vợ chồng anh Chử Đức Chiến (SN 1978) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (SN 1990) vào được giao nhiệm vụ trong năm nay. Ảnh: Saostar

Rồi cụ chủ lễ đưa “linh vật” cho một cặp nam nữ, người nam cầm “cái của nam” còn người nữ cầm “cái của nữ”. Đèn tắt phụt, đồng thời vang lên khẩu lệnh của cụ chủ lễ “linh tinh tình phộc”. Sau khẩu lệnh, đôi nam nữ “phộc” sinh thực khí bằng gỗ vào nhau 3 lần.

Đôi nam nữ phộc sinh thực khí vào nhau 3 lần. Ảnh: Kênh 14/Trí thức trẻ

Trong bóng tối, dân làng nín thở chờ đợi. Họ tin rằng nếu đôi trai gái đâm trúng cả 3 lần thì năm đó, âm dương hòa hợp, mùa màng tươi tốt, cây cối xanh tươi...

 

Lễ mật xong, cụ chủ lễ hô to “tháo khoán”. Xưa kia, vào giờ “Tháo khoán”, theo phong tục, ngoài rừng trám các đôi trai gái được tự do mọi chuyện và nữ phải giữ một vật của nam để làm tin như khăn đội đầu. Cô nào mang thai trong dịp đó là lễ “hèm” của làng thành công, đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và toàn phường. Phường sẽ đứng ra lo liệu tổ chức lễ cưới cho họ và không phải nộp khoản tiền “cheo”. Những đứa trẻ được sinh ra từ đêm “linh tinh tình phộc” làng chấp nhận vì họ cho rằng những đứa trẻ đó sẽ mang lại sự phồn vinh cho cả làng. Ngày nay, tục “tháo khoán” không còn, chỉ là hò reo vui vẻ 

Giang Trần (tổng hợp) 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news