Tin mới

Nhân viên y tế tự cắt chân: Sao không phát hiện “quái bệnh” khi tuyển?

Thứ hai, 14/11/2016, 11:19 (GMT+7)

Theo lãnh đạo một bệnh viện, việc khám sức khỏe tâm thần đầu vào cho nhân viên y tế rất khó phát hiện khi không có biểu hiện rõ ràng lúc thăm khám, chỉ trong quá trình làm việc, giao tiếp mới có khả năng phát hiện.  

Theo lãnh đạo một bệnh viện, việc khám sức khỏe tâm thần đầu vào cho nhân viên y tế rất khó phát hiện khi không có biểu hiện rõ ràng lúc thăm khám, chỉ trong quá trình làm việc, giao tiếp mới có khả năng phát hiện.

Liên quan đến vụ việc nam nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Cái Răng tự cắt lìa chân mình, nhiều báo dẫn nguồn tin từ Công an TP Cần Thơ cho biết, P.D.K mắc bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID) - một thể của rối loạn tâm thần. Theo thông tin trên Người lao động, BIID là một trong những “quái bệnh” khủng khiếp nhất trong y học. Những người mắc hội chứng kì quái này luôn khao khát “được” tàn phế, dù tinh thần rất bình thường.

Thông tin này khiến nhiều độc giả đặt câu hỏi vì sao bệnh viện không phát hiện K. mắc "quái bệnh" khi tuyển dụng? 

Trao đổi với phóng viên về quy trình khám sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế đầu vào và định kì tại bệnh viện, ông Nguyễn Minh Thắng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quận Cái Răng cho biết, hiện tại bệnh viện thực hiện theo đúng theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ quy định. Tuy nhiên, trường hợp nhân viên K. thì ông không nắm rõ vì thời điểm đó ông chưa công tác tại bệnh viện. 

BV đa khoa quận Cái Răng - nơi xảy ra sự việc. Ảnh Vietnamnet

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cho biết, việc khám sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trong bệnh viện hiện thực hiện chưa gắt gao. Thế nhưng, việc phát hiện nhân viên y tế mắc tâm bệnh không khó vì những người làm việc ở môi trường này đều là những người có chuyên môn.

"Nếu nhân viên y tế mắc bệnh về tâm thần thì qua giao tiếp  lãnh đạo và đồng nghiệp rất dễ nhận ra. Vì vậy, trường hợp nhân viên y tế mất nhận diện toàn bộ đến tự cắt chân như vậy là chuyện vô cùng hiếm gặp", ông Ánh nhận định. 

Tuy nhiên, ông Ánh cũng khẳng định, bệnh tâm thần rất khó chẩn đoán, và có thể không khám ra được. Theo đó, có những trường hợp bị bỏ sót khi khám sức khỏe tâm thần, không chỉ riêng ngành y tế.

"Thực sự lấy làm tiếc khi đã không kiểm định, nhận biết được tình trạng bệnh của bệnh nhân để sớm có cảnh báo, hướng điều trị kịp thời. Đáng tiếc hơn là sự việc xảy ra trong môi trường làm việc đặc thù như ngành y, tuy nhiên, đây cũng là bệnh đặc biệt khó có thể phát hiện ra", ông Ánh chia sẻ. 

 

Qua sự việc này, ông Ánh cho rằng, việc khám sức khỏe đặc biệt là khám sức khỏe tâm thần là một vấn đề quan trọng, các đơn vị, nhất là các bệnh viện, trung tâm y tế cần làm chặt, không thể chủ quan. 

"Trong ngành y tế có quy định những bệnh viện được phân công khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho nhân viên y tế. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nhân viên y tế được khám định kì một năm một lần", ông Ánh cho biết thêm. 

Trước đó, như tin đã đưa, vào chiều 10/11, nhân viên vật lý trị liệu công tác tại Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh Viện Đa khoa Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ tên P.D.K. (27 tuổi) đã tự cắt cụt chân trái của mình.

Sau khi được chuyển đến bệnh viện tuyến trên, các bác sĩ đã vận động ông K. nối lại đoạn chân đã bị cắt lìa nhưng ông K. không đồng ý. Đến sáng 12/11, tình trạng sức khỏe của ông K. đã ổn định.

Anh K. khai với cơ quan công an, anh đã phát hiện cơ thể mang một chứng bệnh lạ từ thuở nhỏ, khiến anh luôn muốn tự cắt lìa tay chân của mình. Khi lớn, K tự tìm hiểu thì biết căn bệnh lạ mình đang mang là bệnh rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể, có biểu hiện như người ngáo đá, tự muốn hủy hoại cơ thể.

Quá trình học tại trường cao đẳng Y tế, anh K tự tìm hiểu và tìm cách tự chữa bệnh nhưng không có kết quả.

Căn bệnh lạ này, anh K. không hề chia sẻ, tâm sự hay kể với bất kỳ ai, kể cả khi lấy vợ, có con và chuyển về công tác tại BV đa khoa quận Cái Răng từ giữa năm 2012.

Dã Quỳ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news