Mới đây, Trần Mạn - một nữ nhiếp ảnh gia có tiếng tại Trung Quốc đã đăng tải trên Instagram hình ảnh mới nhất với nội dung: "Mặc thiết kế của chính tôi từ lần hợp tác mới nhất với @shangxia".
Đáng chú ý là thiết kế mà Trần Mạn diện có chi tiết xẻ tà, phần áo ôm sát người, phần váy dài, xòe nhẹ lẫn cổ trụ đều tương đồng với Áo Dài Việt Nam. Điều này khiến nhiều người Việt trên mạng xã hội phản ứng, đa phần đều bày tỏ sự không hài lòng với những hình ảnh này.
Thiết kế của Trần Mạn có nét tương đồng với áo dài Việt Nam. Ảnh: @chenman
Cụ thể, nhiều lời bình luận bên dưới những hình ảnh của Trần Mạn đều khá lịch sự, yêu cầu cô ghi rõ mẫu trang phục là "Áo Dài Việt Nam".
"Vui lòng ghi rằng những thiết kế này được lấy cảm hứng từ áo dài, trang phục của truyền thống Việt Nam. Cảm ơn" hay "Chào Trần Mạn, không biết có nhầm lẫn nào không? Bức hình thứ 3, 5, 6 theo tôi là giống với áo dài truyền thống của Việt Nam. Nhưng tôi không thấy bạn ghi chú rằng lấy ý tưởng từ đâu nhỉ?" là những lời bình luận nhận được nhiều sự đồng tình của cư dân mạng.
Trước đó, tại cuộc thi hoa hậu Trái Đất, thí sinh đến từ Trung Quốc cũng đã gây tranh cãi khi mặc trang phục giống áo dài Việt Nam và thể hiện điệu múa đặc trưng của Trung Quốc mà không có bất kỳ giải thích gì về trang phục.
Thí sinh đến từ Trung Quốc diện trang phục giống áo dài Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu trái Đất. Ảnh: Miss Earth
Nói về vấn đề này, NTK áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam kịch liệt phản đối việc sử dụng các thiết kế áo dài của Trung Quốc thời gian gần đây. Chia sẻ trên Zing, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam bày tỏ sự ngạc nhiên khi thí sinh lại mặc trang phục của quốc gia khác tại một cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Anh cho rằng đây là hành động "xâm lược văn hóa", dù cố tình hay vô ý.
"Cũng như bao khán giả khác, sau khi xem video, tôi cũng đặt câu hỏi vì sao thí sinh Trung Quốc lựa chọn như vậy. Chẳng lẽ cô ấy và ê-kíp không biết về áo dài Việt Nam? Chính vì thế, tôi rất mong muốn áo dài nữ sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và trở thành quốc phục, để tránh sự việc đáng tiếc như trên xảy ra", NTK Đỗ trịnh Hoài Nam cho hay.
Với trường hợp của nhiếp ảnh gia Trần Mạn, NTK Sĩ Hoàng - nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài lại cho rằng người Việt trên mạng xã hội không nên phản ứng quá gay gắt.
"Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề một cách nhẹ nhàng, khách quan. Tính giao thoa văn hóa giữa các quốc gia lân cận hoặc các châu lục vẫn có từ xưa đến nay nếu yếu tố văn hóa đó đủ mạnh, đủ đẹp, đủ thuyết phục. Trừ khi họ tuyên bố áo dài là của Trung Quốc thì chúng ta mới nên phản đối. Mất hay không là do mình chứ không do ai cả", NTK Sỹ Hoàng bày tỏ trên Tuổi trẻ Online.