Hoạt động kinh doanh chính bị sụt giảm, nhiều doanh nghiệp gần như không có doanh thu và bị lỗ sau thuế trong quý III. Thậm chí, có doanh nghiệp 2 năm liền không có Doanh thu thuần.
Cụ thể, Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (Mã CK: PVR), không chỉ riêng quý III mà 9 tháng đầu năm nay, hạng mục doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của đơn vị này bằng 0.
Tình trạng không có doanh thu thuần của công ty này kéo dài từ 2013 đến nay. Như vậy, trong gần 2 năm, PVR không ghi nhận được khoản doanh thu cũng như lợi nhuận nào từ hoạt động kinh doanh chính.
Ở quý III này, dù ở hoạt động tài chính, công ty này có ghi nhận doanh thu 43,5 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi vay lại cao hơn đến 2 lần, nên công ty này bị lỗ sau thuế 1,9 tỷ đồng. Ngoài hoạt động tài chính, tài sản của công ty cũng bị giảm sút mạnh, giá trị tổng tài sản cuối quý III giảm 34%, chỉ còn 1.053 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, mục phải trả, phải nộp khác (ngắn hạn) của PVR giảm 56,4%, từ 954 tỷ đồng xuống còn 416 tỷ đồng. Điều này dẫn đến việc khả năng hoạt động liên tục của công ty này bị nghi ngờ.
Thế nhưng, đơn vị này cho biết, họ vẫn đang hoạt động liên tục và không có ý định ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô.
Một đơn vị khác là Công ty CP Đầu tư PV2 (Mã CK: PV2), cũng không có doanh thu thuần trong quý III vừa rồi.
Theo báo cáo quý III của doanh nghiệp này, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ bằng 0, trong khi đó, ở cùng kỳ năm trước, công ty này vẫn đạt 341,8 triệu đồng.
Hoạt động tài chính của doanh nghiệp này cao hơn cùng kỳ năm trước, thu nhập khác cũng ghi nhận được 5,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, để bù đắp vào chi phí quản lý doanh nghiệp thì công ty này vẫn bị lỗ sau thuế 108,5 triệu đồng trong quý III.
Ngoài 2 doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần Sara Việt Nam (Mã CK: SRA) cũng bị lỗ 239 triệu đồng trong quý III năm nay.
Không chỉ những doanh nghiệp không có doanh thu, nhiều doanh nghiệp khác cũng có ghi nhận nhưng kết quả không đáng kể, trong khi đó, doanh thu từ những hoạt động khác lại lấn át, thậm chí còn giúp đơn vị đó cầm cự trong lúc khó khăn.
Như ở Công ty cổ phần thủy hải sản Việt Nhật (VNH), doanh thu thuần trong quý III chỉ 6 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 47,6 tỷ đồng.
Tính đến 30/9, hàng tồn kho của công ty này là 35,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế bị âm 37 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dấn đến việc đơn vị gần như không có doanh thu trong quý này là vì không có đơn hàng xuất khẩu.
Công ty cổ phần tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (Mã CK: HQC). Trong quý III, doanh thu thuần của công ty này chỉ đạt 2,7 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động xây dựng, giảm 97% so với cùng kỳ. Ở mảng bất động sản, là lĩnh vực chủ lực của công ty này cũng chỉ đạt 139 triệu đồng.
Thế nhưng, doanh thu từ các hoạt động tài chính của công ty vẫn tăng 152%. Nhờ vậy mà Công ty địa ốc Hoàng Quân đã thu về được khoản lợi nhuận sau thuế quý III là 5,5 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ.
Trao đổi trên VnExpress.net, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, có thể một số dự án của doanh nghiệp đang trong quá trình dở dang nên chờ hạch toán một lần vào cuối năm. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp gần 2 năm không phát sinh doanh thu bán hàng thì cần xem lại khả năng hoạt động liên tục của họ. Tình trạng này cho thấy doanh nghiệp đang hết sức khó khăn và trong thế cầm cự.
"Đối với những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng nên thận trọng, thăm dò bước đi tiếp theo của công ty, không nên nóng vội “bán đổ bán tháo” cổ phiếu vì lúc này giá thấp khó lấy lại vốn mà thậm chí còn lỗ. Riêng đối với doanh nghiệp, để tiếp tục "sống" được trên thị trường, các đơn vị này cần tái cấu trúc, định hình lại chiến lược kinh doanh và có thể tìm thêm cổ đông chiến lược mới để giúp công ty vực lại hoạt động kinh doanh", ông Lực cho hay.
Theo Phan Thuỷ (tổng hợp)/Người đưa tin.