Tin mới

Nhiều máy bay ở Mỹ bỗng dưng "tê liệt", không cất cánh nổi, chuyên gia đã tìm ra lý do

Thứ hai, 26/06/2017, 21:24 (GMT+7)

Theo các nhà nghiên cứu, sóng nhiệt đang là nguyên nhân khiến nhiều chuyến bay ở Mỹ bị hủy, đặc biệt là máy bay loại nhỏ.

 

Theo các nhà nghiên cứu, sóng nhiệt đang là nguyên nhân khiến nhiều chuyến bay ở Mỹ bị hủy, đặc biệt là máy bay loại nhỏ.

Máy bay nhỏ "đứng hình" vì... 

Nhiều chuyến bay ở phía tây của nước Mỹ đã bị hủy trong tuần này và nhiều chuyến bay khác cũng khó có thể cất cánh vì nhiệt độ ngoài trời ở quốc gia này đang chạm ngưỡng kỷ lục tới gần 50 độ C.

Những đợt nắng nóng gay gắt là hệ quả của những cơn sóng nhiệt, đã và đáng tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhiều người dân trên thế giới.

Nhiều máy bay ở Mỹ bỗng dưng tê liệt, không cất cánh nổi, chuyên gia đã tìm ra lý do - Ảnh 1.

Nhiều chuyến bay ở Mỹ bị hủy vì nhiệt độ tăng cao tới gần 50 độ C. Ảnh: Istock

Các nhà khí tượng Mỹ cho biết, nguyên nhân khiến các máy bay cỡ nhỏ không thể cất cánh là do vào những ngày trời nóng với nhiệt độ quá cao khiến không khí bị loãng ra và làm giảm lực nâng của máy bay. Các máy bay bị thiếu lực nâng nên không thể cất hay hạ cánh an toàn.

Máy bay cất cánh và ở trên cao được vì có lực nâng, lực từ sự chuyển động của không khí bên dưới. Nhưng khi trời quá nóng, không khí bị đốt nóng khiến hầu hết các máy bay loại nhỏ đều thiếu lực nâng để máy bay có thể cất và hạ cánh.

Lou McNally, giáo sư về khí tượng học ứng dụng tại Đại học Hàng không Embry-Riddle cho biết: "Khi không khí nóng lên, nó sẽ giãn ra và có ít phân tử khí ở bên dưới cánh".

Nhiều máy bay ở Mỹ bỗng dưng tê liệt, không cất cánh nổi, chuyên gia đã tìm ra lý do - Ảnh 2.

Nhiệt độ quá cao làm không khí bị loãng, khiến máy bay nhỏ không thể cất cánh vì thiếu lực nâng. Ảnh: News.com.au

Khi lực nâng của không khí bị giảm đi, các máy bay nhỏ cần sự bổ sung từ nhiều nguồn như: lực đẩy lớn hơn, chạy dài hơn trên đường băng với vận tốc lớn hơn, cần nhiều vận tốc để hạ cánh...

Khi những yêu cầu này vượt ngưỡng cho phép, hoạt động của các máy bay nhỏ bị tê liệt. Nếu cố bay, máy bay cỡ nhỏ có thể không kịp rời đường băng hoặc vượt khỏi đường băng khi cố hạ cánh trong điều kiện không khí quá loãng dưới điều kiện thời tiết nắng nóng.

Phi hành gia Patrick Smith, tác giả của cuốn sách Cockpit Confidential cho biết, nhiệt độ cao cũng có nghĩa là một chiếc máy bay nhỏ di chuyển với tỉ lệ thấp hơn.

Để bù đắp cho vấn đề thiếu hụt lực đẩy khi thời tiết quá nóng, máy bay phải tạo ra lực đẩy hoặc sức mạnh hơn và có cánh lớn hơn.

Những chiếc máy bay nhỏ hơn tạo ra lực đẩy ít hơn, giống như một số máy bay phản lực được đặt ở khu vực thành phố Phoenix thuộc tiểu bang Arizona (Mỹ), thường bị mắc kẹt trong sức nóng khủng khiếp tới 48 độ C.

Đâu là "giải pháp vàng" cho trở ngại này?

Tại những nơi thường xuyên có thời tiết nóng bức, nhiệt độ rất cao như sân bay quốc tế Dubai và các sân bay khác ở vùng Vịnh, nhiều chuyến bay đã phải chọn cách di chuyển vào ban đêm hoặc sáng sớm để ứng phó với tình trạng sóng nhiệt "leo thang" với biểu hiện là những đợt nắng nóng kèm theo nhiệt độ tăng cao.

Ngoài ra, việc sử dụng những chiếc máy bay cỡ lớn với cánh rộng hơn để di chuyển đường dài và không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao cũng được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân trong thời tiết nắng nóng kỷ lục ở một số quốc gia, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của sóng nhiệt.

Trước khi bay, các phi công đều tiến hành một báo cáo khảo sát về tình hình nhiệt độ, độ cao và thậm chí là độ ẩm để đảm bảo điều kiện bay an toàn nhất.

Nhiều máy bay ở Mỹ bỗng dưng tê liệt, không cất cánh nổi, chuyên gia đã tìm ra lý do - Ảnh 3.

Nhiều giải pháp được đưa ra để ứng phó với tình trạng thời tiết nắng nóng cao. Ảnh: Internet

Các hãng hàng không có thể thực hiện nhiều giải pháp khi điều kiện nhiệt độ quá cao bằng cách bán ít vé hơn, giảm lượng hàng hóa hoặc cất cánh với thùng nhiên liệu không được bơm đầy và sau đó dừng lại ở địa điểm mát hơn để tiếp nhiên liệu.

Đây là một trong những giải pháp được hãng hàng không American Airlines sử dụng trong đợt sóng nhiệt kéo dài ở thành phố Phoenix (Mỹ).

Theo R. John Hansman, giáo sư khoa hàng không và vũ trụ tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận định, ngoài vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến mật độ không khí, nhiệt độ quá cao cũng có thể làm suy yếu hoặc thậm chí tan chảy các mỗi nối liên kết trên máy bay.

Điều này có thể đe dọa tới sự an toàn của toàn bộ phi hành đoàn cũng như hành khách trên chuyến bay.

Tóm lại, ảnh hưởng của sóng nhiệt thực sự rất lớn, ngay cả những chuyến bay cũng phải "dè chừng". Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp với hệ quả gây ra hàng loạt những đợt sóng nhiệt chết người ở nhiều nơi trên thế giới.

Con người cần phải cố gắng giảm lượng khí thải nhà kính và nỗ lực tìm kiếm giải pháp để có thể ứng phó với những "thảm họa" nan giải trên.

 

Nguồn: News.com.au, Washingtonpost

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news