Theo Bộ luật hình sự mới, người bị kết án tử hình tội tham ô, nhận hối lộ có thể được xem xét không thi hành án nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản.
Báo Tuổi trẻ, Kiến thức đưa tin, Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung và các luật liên quan gồm Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 chính thức có hiệu lực.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2018, tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018.
Bộ luật hình sự 2015 xác định rõ tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Bộ luật đã bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình.
Theo luật mới, hình phạt tử hình không áp dụng đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên tổng giám đốc OceanBank, vừa bị TAND TP Hà Nội kết án tử hình. Ảnh: Báo Tuổi trẻ |
Đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình đối với họ. Quy định này nhằm góp phần hạn chế việc thi hành hình phạt tử hình trên thực tế và thúc đẩy việc thu hồi tài sản bị tham nhũng trong các vụ án tham nhũng.
So với Bộ luật hình sự năm 1999, Luật Hình sự năm 2015 có những thay đổi nhiều, đặc biệt là về hình phạt đối với một số tội danh, nhiều tội đã bỏ mức án cao nhất là án tử hình và án chung thân.
Cụ thể, đối với tội Cướp tài sản thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nếu gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người, chiếm đoạt tài sản trên 500 triệu đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người tội phạm sẽ phải chịu mức án tử hình. Theo Bộ luật hình sự năm 2015 thì quy định về tội danh này được giữ nguyên nhưng bỏ án tử hình, mức phạt cao nhất là án chung thân.
Với tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, Bộ luật Hình sự 2015, tội này quy định chỉ thay đổi mức án cao nhất là tù chung thân. Trước đó, theo Bộ luật Hình sự 1999 mức án cao nhất là tử hình.
Đối với tội "Đưa hối lộ" và tội "Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản", Bộ luật Hình sự sửa đổi 2015 mức hình phạt cao nhất còn 20 năm tù. Trước đó, mức cao nhất là chung thân.
Các tội danh khác như: Trộm cắp tài sản; Trốn đi nước ngoài; Tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản; Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Tội Khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh; Tội Bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu; Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có hình phạt cao nhất là tù chung thân tại Bộ luật hình sự 1999, đến Bộ luật hình sự 2015 mức hình phạt cao nhất cho các tội danh này là 20 năm tù.
Lê Huyền (tổng hợp)