Theo Thanh Niên và PLO, TP.HCM đã yêu cầu khai báo y tế với tất cả những người từ TP Đà Nẵng đến TP.HCM từ ngày 18/7 phải thực hiện khai báo y tế trên phần mềm nCoV của Bộ Y tế.
Ngoài ra, các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân 416 và 418 hoặc bệnh nhân khác (nếu có) thi tổ chức cách ly tập trung tại khu cách ly quận, huyện và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
TP.HCM đã yêu cầu khai báo y tế với tất cả những người từ Đà Nẵng đến thành phố từ ngày 18/7. Ảnh: Internet
Các trường hợp có triệu chứng liên quan đến Covid-19 trong vòng 14 ngày sau khi rời TP Đà Nẵng phải được nhập viện, cách ly, xét nghiệm SARS-CoV-2. Riêng các trường hợp khác, trước mắt thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.
Theo VnExpress, sáng 26/7, chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra yêu cầu rà soát người từ nước ngoài về đang làm việc và cư trú tại Hà Nội.
Người nhập cảnh sẽ phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất hai lần. Hết thời hạn cách ly và không phát hiện bệnh, họ cần tiếp tục được theo dõi y tế tại cộng đồng ít nhất 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm một lần nữa trước khi hết thời gian theo dõi y tế. Những trường hợp đặc biệt sẽ được xét nghiệm lại sau một tháng.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đã đưa ra yêu cầu để nâng cao các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Internet
Hà Nội cũng yêu cầu tất cả trụ sở, cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp chống dịch như thời điểm cả nước giãn cách xã hội: trang bị dung dịch sát khuẩn tay, kiểm tra thân nhiệt người ra vào. Người dân được yêu cầu rửa tay, đeo khẩu trang ở nơi đông người, khi tham gia giao thông.
Theo Tuổi Trẻ và Lao Động, sáng 26/7, trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ đã phối hợp sân bay Cần Thơ tăng cường lực lượng kiểm dịch y tế, lấy mẫu xét nghiệm gần 600 hành khách về từ Đà Nẵng.
Hành khách tại sân bay Cần Thơ làm thủ tục khai báo y tế. Ảnh: Internet
Tất cả hành khách đã được kiểm tra thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe và gửi danh sách về y tế địa phương giám sát theo dõi sức khoẻ tại nhà trong vòng 14 ngày.
Dự kiến trong 24 giờ có kết quả xét nghiệm, nếu dương tính cơ quan y tế sẽ thông báo với hành khách và tiến hành cách ly điều trị tại cơ sở y tế. Trường hợp âm tính vẫn phải theo dõi cách ly tại nhà đủ thời gian quy định.
Cũng theo Lao Động, đêm ngày 25/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã ban hành Công điện khẩn số 16/CĐ-UBND gửi Giám đốc các sở, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Công điện khẩn của Chủ tịch UBND Thanh Hóa về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: PLO
Khuyến khích người dân đeo khẩu trang tại bệnh viện, bến xe, bến cảng, sân bay, trên phương tiện vận tải hành khách, các khu tập trung đông người và thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng chống dịch như rửa tay bằng xà phòng, dung dịch nước sát khuẩn.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, phối hợp với các bệnh viện, phòng y tế các huyện và các đơn vị liên quan tập trung kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Cảng hàng không Thọ Xuân, Cảng Quốc tế Nghi Sơn, các bến xe, ga đường sắt, các phương tiện vận tải hành khách, các bệnh viện, khu du lịch.
Những người đi về từ vùng dịch Đà Nẵng, yêu cầu Tổ giám sát thôn, bản, khu phố và cấp xã tổ chức hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả tại gia đình theo hướng dẫn của ngành y tế.
Trước đó, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên có văn bản hỏa tốc yêu cầu những người từ Đà Nẵng về địa phương trong thời gian từ ngày 18/7 trở lại, phải thực hiện khai báo y tế và tự cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nhà, khi có triệu chứng bất thường như sốt, ho, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế khám và lấy xét nghiệm theo quy định.