Thế chị em tự xem lại tài khoản của mình là team giàu hay team nghèo trước khi tiếng "ting ting" thần thánh vang lên?
Còn tận 10 ngày nữa mới đến lúc trở thành "đại gia", vì mùng 10 mới được lĩnh lương, cô gái 21 tuổi Nguyễn Thùy Trang (Cẩm Phả, Quảng Ninh) đang trải qua những ngày cuối cùng của tháng một cách khổ sở vật vã.
Vừa đi học vừa đi làm, tất nhiên sẽ có người nói rằng ôi giời là sinh viên thì ai mà chẳng nghèo lúc cuối tháng, kêu ca nỗi gì, nhưng Thùy Trang thì vẫn có thêm thu nhập từ việc làm nhân viên rạp phim nên cuộc sống thường nhật của cô nàng cũng chẳng khác là mấy.
Thùy Trang - thiếu nữ "cái bang" điển hình ngày cuối tháng.
Trang buồn rầu chia sẻ: "Em đi làm theo ca, trước làm 2 chỗ liền thì lương tháng được gần 3 triệu, giờ em chỉ làm 1 chỗ thôi thì còn 1,7 triệu, vèo cái từ mùng 10 đến giữa tháng là đã nghèo rớt mồng tơi rồi.
Cuối tháng á, thảm vô cùng luôn, giờ em đang không có xu nào trong người luôn, tiền đổ xăng còn phải xin mẹ này, còn ăn sáng thì người yêu mua cho".
Cùng chung cảnh ngộ như Thùy Trang nhưng "khấm khá" hơn chút đỉnh, chị Hà Trần (nhân viên văn phòng) ở Hà Nội còn vài chục nghìn tiền lẻ để gửi xe.
Cô vẫn đang chờ mòn mỏi man mác tiếng "ting ting" vang lên trong buổi chiều Hà Nội ướt sũng mưa gió, bởi sau chiều hôm nay thì chị sẽ có tiền đi trả nợ, ngày mai ăn bữa trưa tươm tất hơn là làm bạn với mì hộp những ngày qua, và chuẩn bị đi du lịch sẽ có thêm chút dự phòng trong túi.
Ví của Hà rất dày, nhưng chỉ toàn thẻ siêu thị, vé xem phim hết date, còn ngăn đựng tiền thì...
Nhưng tính ra thì chắc chỉ cỡ đến giữa tháng sau là Hà sẽ lại "viêm màng túi", bởi người phụ nữ công sở này rất thích đi siêu thị, mua đồ dùng gia đình và nhiều khoản sinh hoạt phí gia đình khác nữa.
Kết quả là Hà cũng rất sợ cuối tháng, dù cô nàng vẫn còn độc thân, chưa vướng bận con cái học hành bỉm sữa...
Chiếc ví còi cọc đáng thương của thanh niên Văn Quỳnh đủ khiến nhiều người rơi nước mắt.
Không bị nghèo vì mua sắm ăn uống như hội chị em, nhưng Văn Quỳnh (23 tuổi) lại đau đầu nhăn trán vì đủ các loại tiền "bay" luôn từ đầu tháng trước: nào là tiền thuê nhà, ăn uống ở văn phòng, xăng xe điện thoại, đi chơi với bạn gái...
Và thế là, chàng trai trẻ phải đi vay mượn khắp nơi để sống sót qua ngày cuối tháng chờ lương về. Tò mò hỏi xem trong ví của Quỳnh còn bao nhiêu, anh chàng cũng không ngại vạch hẳn cái ví còi ra, đếm đi đếm lại vẫn thấy chỉ có 3 tờ, cộng lại là 50 nghìn Việt Nam đồng.
Quỳnh quay đi lặng lẽ đút tai nghe rồi thẫn thờ nhìn ra cửa kính, chờ "lên hương" sau tiếng ting ting ngày cuối cùng của tháng.
Ngồi gần Văn Quỳnh là một chàng trai trẻ khác cũng đang ngậm ngùi ăn bún đậu, thay vì thịt nướng, phở gà, lẩu nướng sang chảnh như mọi khi. Đó chính là Hoài An hôm nay.
Chỉ là cách ngày đầu tháng trong gang tấc thôi, nhưng cũng đủ là ranh giới mong manh giữa một An "ăn xin" và An "đại gia", vì mai mới có lương rủng rỉnh.
Nhìn An gắp từng gắp bún nhỏ chấm trong cốc nước mắm, đồng nghiệp đi qua cũng không dám thở mạnh, sợ anh chàng nhạy cảm quá mà... níu lại để vay tiền. Bởi lẽ, ngày cuối cùng của tháng ai cũng nghèo...
Bữa trưa lúc 2h chiều để cố gắng cầm cự đến mai mới có lương của Hoài An.
Đồng nghiệp cũng "rớt mồng tơi" nên dù rất thương cũng chẳng thể giúp An được gì.
Trái ngược lại với team "đồng nát" ở trên, thì có rất nhiều người đã từ lâu không còn quan tâm đến đầu hay cuối tháng nữa, thậm chí chẳng nhớ cả ngày lương về tài khoản, bởi lúc nào trong ví cũng rủng rỉnh cả tiền mặt lẫn thẻ ngân hàng.
Dù không phải đại gia giàu nứt đố đổ vách, cũng là dân văn phòng làm công ăn lương thôi, nhưng những cô gái dưới đây đều có cách sử dụng tiền khá hợp lý, tháng nào cũng dư ra được vài triệu, đủ để không sợ đói.
Cô gái vàng trong làng "không sợ đói" ngày cuối tháng - Bích Ngọc.
Bích Ngọc (26 tuổi) làm việc toàn thời gian ở một công ty tư nhân, đi làm 4 năm nay tuy không tích lũy được hàng trăm triệu như nhiều bạn bè đồng trang lứa khác từng lên báo kể chuyện mua nhà mua xe đi vòng quanh thế giới nọ kia, nhưng Ngọc cũng không phải chịu cảnh "đói khổ" cuối tháng như hồi còn sinh viên nữa.
"Lương cứng mỗi tháng của mình khoảng 5 triệu, còn lại tùy theo hiệu suất làm việc mỗi tháng, nên thu nhập dao động khoảng 10 triệu trở lên.
Hồi đầu đi làm lương thấp, phải chi tiêu nhiều cái nên cũng hơi khó khăn, nhưng sau đó chỉ vài tháng thôi là mình đã có tiền tiết kiệm rồi, dần dần thì thành thói quen tự nhiên, mỗi tháng mình chỉ tiêu trong khoảng 7 - 8 triệu là hết cỡ, còn lại mình cứ để trong ví hoặc thẻ lương, không rút ra.
Không phải nữ đại gia nhưng cô nàng xinh xắn này cũng dư dả để đi chơi quanh năm.
Được khoản to to thì mình đi chơi, như tháng 6 vừa rồi mình đi Hàn, cũng ngốn kha khá đấy, nhưng mình không phải vay mượn ai cả, hoàn toàn tự túc được chi phí. Cuối tháng vẫn thừa tiền đi ăn nhà hàng, mua những cái mình thích, thoải mái lắm".
Huyền Trang (20 tuổi) còn rất trẻ nhưng đã đi làm ở 2 nơi khác nhau, tổng thu nhập mỗi tháng của Trang dao động trong khoảng 10 - 11 triệu mỗi tháng.
Trang đang sống cùng bố mẹ tại Hà Nội, hàng ngày cô đi làm full time tại một quán cafe nổi tiếng trên phố Thái Hà, mọi thứ đều chủ động và chi tiêu cho bản thân, không cần lo cho ai nên Huyền Trang cảm thấy rất thoải mái về tài chính.
Thu nhập không cao chót vót nhưng Huyền Trang cũng chưa bao giờ túng thiếu.
"Cuối tháng này em còn 3 triệu trong ví, thực sự là em cũng chưa rơi vào cảnh túng quẫn bao giờ cả.
Từ lâu rồi em vẫn chủ động đi làm kiếm thêm thu nhập, cũng dư ra mỗi tháng được một ít, đủ để phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn tiêu riêng của mình, không nợ nần gì cả".
Con số 3 triệu ấy quả là đáng mơ ước với hàng vạn dân công sở thời điểm này.
Huyền Trang thật sự giàu hơn khối người, vì đa phần các bạn trẻ đi làm văn phòng hiện tại đều đang rơi vào tình trạng thiếu kiểm soát, người thì vung tay quá trán không giữ được tiền, người thì không kìm hãm được sở thích mua sắm giày dép son phấn, người thì tốt bụng cho vay khắp nơi...
Và quay đi quay lại, đến lúc giở ví ra bỗng hoảng hốt "tiền của mình đi đâu ấy nhỉ???".
Không khí đầy hồi hộp ngày cuối tháng rất dễ thấy ở mọi chốn văn phòng, vì anh Lương chưa về...
Qua cuộc khảo sát nho nhỏ ở trên, có thể thấy cuộc sống của dân công sở khác nhau rất nhiều vào thời điểm cuối tháng, nó cũng thể hiện rằng bạn có phải là người chi tiêu khoa học, có kế hoạch hay không.
Phương Linh (23 tuổi) là một cô gái có lối sống khá nề nếp, Linh luôn luôn đi làm đúng giờ, về đúng giờ, làm việc đủ và sinh hoạt cũng ổn định, không thức quá khuya, đi chơi quá muộn, không ham shopping và chẳng bao giờ phải đóng tiền phạt khi đi làm.
Nhòm trộm ví tiền của Linh ngày cuối tháng, hẳn nhiều người sẽ cảm thấy phục cô nàng vì tài khoản luôn luôn giữ ở mức 7 chữ số.
Linh không muốn mình rơi vào cảnh túng thiếu, phải đi vay mượn, và ăn uống kham khổ ngày cuối tháng.
Những ai thường xuyên cháy túi trước khi lĩnh lương có thể học hỏi Phương Linh ở cách sống giản dị của cô nàng, cắt giảm những chi phí phát sinh cho bản thân không cần thiết.
Tuy Phương Linh không phải cô gái khéo vun vén nhất, nhưng cũng đáng noi gương.
"Ví dụ như thay vì đi ra ngoài ăn cơm trưa thì ngày nào em cũng mang cơm đi làm, bữa tối em luôn về nhà để nấu, em không mua sắm quá nhiều, chỉ mua những thứ thật sự cần thiết.
Các khoản như thuê nhà, điện nước, xăng xe em luôn để riêng ra, còn lại thì tính toán xem tháng này có trong tay bao nhiêu tiền, em sẽ cố gắng để mỗi ngày chỉ tiêu trong mức giới hạn, 100-200 nghìn gì đó, còn lại thì để vài triệu trong tài khoản mỗi tháng, để còn dự phòng. Vì thế nên em không giàu nhưng cũng không sợ cuối tháng như hồi sinh viên nữa".
Cách của Phương Linh có thể nhiều người sẽ thở dài bảo dễ ẹc, nhưng sự thật thì không phải ai cũng làm được như vậy!
Bởi cứ đứng trước váy áo đẹp, son phấn xinh, giày dép bánh bèo là chị em lại quên hết lời hứa trong lòng, tặc lưỡi quẹt thẻ không kiểm soát, để rồi đến lúc móc tiền ra trả cốc cafe thôi cũng giật mình vì nghèo xơ nghèo xác!
Lương 5 triệu cũng hết, 10 triệu hay 30 triệu cũng hết, tùy thuộc vào thói quen chi tiêu của từng người, nhưng rõ ràng ai cũng có thể tiết kiệm, chẳng qua do bản thân KHÔNG THỂ KIỀM CHẾ thôi.
Bạn thích về team đồng nát hay team giàu có vào cuối tháng?
Đa số giới trẻ văn phòng bây giờ đều đang ở tình trạng độc thân hoặc hẹn hò, nên không nhiều người có mục tiêu tiết kiệm tiền rõ ràng. Một bộ phận thì dằn túi để đi du lịch, một số khác thì để mua điện thoại, laptop xịn, mua xe máy.
Rất ít bạn trẻ đi làm văn phòng có thể tiết kiệm để mua tài sản giá trị hơn, như ô tô, chung cư, nhà đất, hoặc đơn giản là tích lũy càng nhiều càng tốt cho tương lai.
Cất lại trong thẻ mỗi tháng 1-2 triệu không phải điều quá khó, tích tiểu rồi sẽ thành đại, lâu dần sẽ thành thói quen tốt, đến lúc nhìn tài khoản ngày càng số to hơn sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều đấy. Đừng để ngày cuối tháng luôn luôn là ác mộng, chị em nhé.