Tin mới

Những bí mật về loài nhện độc nhất thế giới

Thứ sáu, 26/12/2014, 13:47 (GMT+7)

Nhện lang thang Brazil được đánh giá là loài nhện có nọc độc nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay.

Nhện lang thang Brazil được đánh giá là loài nhện có nọc độc nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay.

Nhện lang thang Brazil hay còn được biết với tên gọi khác là nhện chuối, chúng được đánh giá là loài nhện nguy hiểm nhất thế giới với nọc độc chết người của nó. Loài này sinh sống ở các khu vực nhiệt đới tại Nam Mỹ. Nó được đánh giá là loài nhện có nọc độc nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay, một vết cắn nhỏ của loài nhện Brazil này cũng có thể hạ gục một người trưởng thành chỉ trong vài phút.

Đặc điểm và tập tính

Chúng được gọi là nhện lang thang bởi thói quen săn mồi của chúng. Không giống như nhiều loài nhện khác là sử dụng mạng nhện và đợi để bẫy con mồi, những con nhện lang thang Brazil đi săn mồi trên mặt đất, tìm kiếm con mồi và tấn công trực tiếp.

Có tổng cộng 8 loài nhện lang thang Brazil và tất cả chúng đều sống ở Brazil. Một số loài có thể tìm thấy ở khu vực châu Mỹ La Tinh, từ Costa Rica đến Argentina. Nhện là loài ăn đêm, do đó, chúng thường tìm chỗ ẩn nấp vào ban ngày. Đây là lý do tại sao chúng lại nguy hiểm như vậy.

Nhện lang thang Brazil xuất hiện trong sách kỷ lục Guinness là loài nhện độc nhất trên thế giới

Kích thước của nhện lang thang Brazil khá lớn, với phần thân dài 5cm và khoảng cách giữa các chân lên tới 12-15cm. Chúng có màu nâu và các chấm đen trên bụng, tuy nhiên một số loài nhện lang thang Brazil khác nhau có thể có màu sắc khác nhau.

Khi cảm thấy bị đe dọa, nhện lang thang Brazil sẽ giơ hai chân trước lên cao để đe dọa lại kẻ thù. Điều này cho kẻ thù của chúng biết rằng nhện độc đã sẵn sàng để tấn công.

Nhện lang thang Brazil xuất hiện trong sách kỷ lục Guinness là loài nhện độc nhất trên thế giới.   Sách kỷ lục Guinness cho biết, mặc dù đã có thuốc chữa nọc độc của loài nhện lang thang Brazil này nhưng vẫn có vài trường hợp tử vong xảy ra.

Giao phối

Nhện lang thang Brazil cái lựa chọn bạn đời khá kĩ càng và giống như nhiều loài nhện khác, nhện cái sẽ tấn công và ăn thịt bạn đời của mình sau khi giao phối. Nhện cái lưu trữ tinh trùng trong một buồng riêng biệt với trứng chứ không cho thụ tinh ngay sau khi giao phối. Khi cảm thấy thích hợp, nhện cái sẽ cho trứng được thụ tinh, sau đó nó sẽ tạo một cái túi từ tơ của mình và đẻ trứng vào đó. Vòng đời của một con nhện lang thang Brazil có thể kéo dài 1 đến 2 năm.

Nọc độc

Loài nhện này cắn người chỉ là hành động tự vệ, chúng chỉ tấn công khi đang săn mồi hoặc cảm thấy bị đe dọa. Thực tế ghi nhận khá ít vụ nhện lang thang Brazil gây chết người, mà phần lớn là do loài nhện góa phụ đen hay nhện ẩn dật.

Theo thống kê, trong số 7.000 trường hợp chỉ có 10 người chết vì vết cắn của loài nhện lang thang Brazil này. Loài nhện này chỉ tiêm nọc độc trong khoảng 1/3 vết cắn, thậm chí đó chỉ là một lượng nọc khá nhỏ.


Các nhà khoa học đã nghiên cứu nọc độc của loài nhện này từ những năm 1920 và phát hiện ra rằng đây là một sự pha trộn phức tạp nhiều loại độc tố khác nhau, bao gồm cả nhiều loại protein và peptide. Nó có tác động rất mạnh đến hệ thống thần kinh của kẻ bị tấn công, gây ra các triệu chứng như tê liệt, phù nề, co giật và nhiều hơn nữa, trong đó có cả triệu chứng cương cứng đau đớn.

Nọc độc gây đau đớn và viêm trầm trọng, khiến nạn nhân bị mất kiểm soát cơ bắp và gặp các các vấn đề hô hấp, dẫn đến tê liệt và cuối cùng bị ngạt thở. Vết cắn của nhện có thể gây ra sự cương dương không mong muốn ở nam giới, đôi khi kéo dài tới 4 giờ.

Các nhà khoa học đang hy vọng họ có thể sử dụng nọc độc của loài nhện này trong việc điều chế thuốc rối loạn chức năng cương dương.

Trang Vũ (tổng hợp)


 






Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news