Gigantopithecus blacki, cao 3m và nặng tới 300kg, phát triển mạnh trong các khu rừng ở Nam Á cho đến hơn 200.000 năm trước.
Chính xác tại sao loài vượn lớn này lại tuyệt chủng sau khi hưng thịnh hàng trăm nghìn năm là một trong những bí ẩn lâu dài của cổ sinh vật học kể từ khi nhà khoa học người Đức GHR von Koenigswald lần đầu tiên tình cờ phát hiện ra một trong những chiếc răng của nó tại một hiệu thuốc ở Hồng Kông vào những năm 1930. Chiếc răng hàm lớn đến mức được gọi là "răng của rồng".
Renaud Joannes-Boyau, nhà nghiên cứu tại Đại học Southern Cross của Úc, nói với truyền thông: "Nó lớn gấp ba đến bốn lần so với răng của bất kỳ loài vượn lớn nào”. Và đây là lúc mà tất cả các nghiên cứu về loài vượn này bắt đầu.
Tất cả những gì được tìm thấy về Gigantopithecus kể từ đó là bốn phần xương hàm và khoảng 2.000 chiếc răng, hàng trăm chiếc trong số đó được phát hiện bên trong các hang động ở tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc.
Đồng tác giả nghiên cứu Yingqi Zhang thuộc Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học của Trung Quốc cho biết, ngay cả sau một thập kỷ khai quật trong các hang động này, nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài vượn vẫn chưa rõ ràng.
Tìm cách thiết lập dòng thời gian về sự tồn tại của loài vật này, nhóm các nhà khoa học Trung Quốc, Úc và Mỹ đã thu thập những chiếc răng hóa thạch từ 22 hang động. Họ sử dụng 6 kỹ thuật khác nhau để xác định tuổi của hóa thạch , bao gồm một phương pháp tương đối mới gọi là xác định niên đại phát quang để đo lần cuối cùng các khoáng chất tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Những chiếc răng cổ nhất có niên đại hơn 2 triệu năm, trong khi những chiếc răng gần đây nhất có niên đại khoảng 250.000 năm trước. Giờ đây, các nhà khoa học đã có thể kể "câu chuyện hoàn chỉnh về sự tuyệt chủng của Gigantopithecus” lần đầu tiên.
Con vật khổng lồ mắc “sai lầm lớn”
Họ xác định rằng “thời kỳ tuyệt chủng” của loài động vật này là từ 215.000 đến 295.000 năm trước, sớm hơn đáng kể so với suy nghĩ trước đây. Trong thời gian này, các mùa trở nên rõ rệt hơn, điều này đang làm thay đổi môi trường địa phương. Khu rừng rậm rạp, tươi tốt nơi Gigantopithecus từng phát triển đang bắt đầu nhường chỗ cho những khu rừng và đồng cỏ rộng mở hơn. Điều này khiến món ăn yêu thích của loài vượn là trái cây ngày càng ít đi.
Con vật khổng lồ không thể đu lên cây để tìm kiếm thức ăn ở nơi cao hơn. Thay vào đó, nó "dựa vào thức ăn dự phòng ít dinh dưỡng hơn như vỏ cây và cành cây", Kira Westaway, một trong những tác giả nghiên cứu cho biết.
Zhang cho biết đây là một "sai lầm lớn" và cuối cùng đã dẫn đến sự tuyệt chủng của loài động vật này. “Cuối cùng, cuộc đấu tranh để thích nghi của nó đã dẫn đến sự tuyệt chủng của loài linh trưởng vĩ đại nhất từng sinh sống trên Trái đất”, các tác giả viết.
Kích thước của loài linh trưởng khiến việc đi xa tìm kiếm thức ăn trở nên khó khăn. Vì rất to lớn nên nó cần nhiều thức ăn. Nhưng bất chấp điều đó, "điều đáng ngạc nhiên là G. blacki thậm chí còn tăng kích thước trong thời gian này”.
Bằng cách phân tích răng của nó, các nhà nghiên cứu có thể đo được mức độ căng thẳng của loài vượn ngày càng tăng khi số lượng của nó bị thu hẹp.
Theo một phân tích năm 2019, các protein được phát hiện trong hóa thạch Gigantopithecus cho thấy họ hàng gần nhất còn sống của nó là đười ươi Bornean. Tiến sĩ Frido Welker, từ Đại học Copenhagen, cho biết: “Nó có thể là anh em họ xa (của đười ươi), theo nghĩa là họ hàng gần nhất của nó là đười ươi, so với các loài vượn lớn khác còn sống như khỉ đột, tinh tinh hoặc chúng ta”.
Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã so sánh số phận của Gigantopithecus với họ hàng đười ươi của nó, Pongo weidenreichi, loài có khả năng xử lý môi trường thay đổi tốt hơn nhiều. Đười ươi nhỏ hơn và nhanh nhẹn hơn, có thể di chuyển nhanh chóng qua các tán rừng để thu thập nhiều loại thức ăn như lá, hoa, quả hạch, hạt và thậm chí cả côn trùng và động vật có vú nhỏ. Nó thậm chí còn trở nên nhỏ hơn theo thời gian, phát triển mạnh khi người anh em họ khổng lồ của nó là Gigantopithecus chết đói.
Westaway nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải hiểu được số phận của các loài xuất hiện trước chúng ta - đặc biệt là "với mối đe dọa về sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 đang rình rập chúng ta".
Các hồ sơ hóa thạch cho thấy từ khoảng 2 triệu đến 22 triệu năm trước, hàng chục loài vượn lớn sinh sống ở Châu Phi, Châu Âu và Châu Á. Ngày nay, chỉ còn lại khỉ đột, tinh tinh, tinh tinh lùn , đười ươi và con người.
Rick Potts, người chỉ đạo Chương trình Nguồn gốc Con người tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian cho biết, trong khi những con người đầu tiên xuất hiện ở Châu Phi, các nhà khoa học không biết gia đình vượn lớn đầu tiên xuất hiện ở lục địa nào.