Đối với người dân nước Anh, hình ảnh cô dâu hoàng gia thường gắn liền với bộ váy cưới của họ. Chúng ta hãy cùng ngắm nhìn những bộ váy cưới độc đáo của hoàng gia Anh theo danh sách dưới đây nhé.
Trước đám cưới của Hoàng tử Harry và Meghan Markle được tổ chức vào ngày 19 tháng 5 vừa qua, giới truyền thông có rất nhiều suy đoán về chiếc váy cưới mà Meghan sẽ mặc. Liệu cô có lựa váy của nhà thiết kế nổi tiếng Alexander McQueen như Kate Middleton không? Hay cô sẽ mặc một chiếc áo choàng trắng để bày tỏ lòng tôn kính đối với người mẹ quá cố của Harry, Công nương Diana? Liệu có khả năng Meghan sẽ mặc một cái váy của riêng mình? - sau cùng thì đây không phải là lần đầu tiên cô ấy phá vỡ quy tắc hoàng gia.
Cuối cùng thì mọi lời đồn đại đã… trật lấc. Meghan xuất hiện trong chiếc váy cưới có đường nét thiết kế tinh giản. Phần cổ thuyền giúp tôn vinh chiếc cổ dài thanh tao và định hình đôi vai của Meghan, trong khi tà váy dài 3 tầng làm tôn lên nét đẹp mềm mại, nữ tính.
Meghan dịu dàng bên cạnh hoàng tử Harry
Chiếc váy của Meghan có thể coi là một lựa chọn an toàn cho ngày trọng đại của cô. Sánh vai bên cạnh hoàng tử Harry với bộ quân phục truyền thống, trông Meghan rạng ngời hơn bao giờ hết. Với người dân thì ngày hội Hoàng gia là một sự kiện trọng đại, trong đó chiếc váy cưới của cô dâu là một màn trình diễn thời trang đáng mong chờ.
Hãy cùng điểm qua những bộ váy cưới đẹp nhất của hoàng gia Anh và thấu hiểu tại sao dân tình lại ngóng trông bộ váy cưới của Meghan đến vậy nhé!
Phóng khoáng như công nương Diana
Công nương Diana là một biểu tượng thời trang của thế giới. Eleri Lynn, người phụ trách triển lãm "Diana: Thời trang và phong cách", đã nói với Vanity Fair, "Mỗi khi Diana tham dự một sự kiện nào đó thì mọi người đều phải quay lại nhìn ngắm cô giống như Audrey Hepburn hay Jackie Kennedy vậy".
Phóng khoáng như công nương Diana
Công nương Diana thường sử dụng thời trang như một cách để gửi thông điệp. Theo Lynn, công nương muốn mọi người biết cô ấy là người dễ nói chuyện nên cô ấy đã chọn quần áo đầy màu sắc. Công nương cũng không dùng găng tay để cô có thể bắt tay mọi người - Diana thực sự là người của công chúng!
Chính vì thế nên chiếc váy cưới của cô cũng thật đặc biệt. David Emanuel, nhà thiết kế váy cưới cho công nương Diana, đã nói với Entertainment Tonight, "Chiếc váy này phải trẻ trung và ngọt ngào, nhưng nó cũng phải quyến rũ bởi vì Diana sẽ trở thành một công chúa hoàng gia.". Chiếc váy dài gần 8m, được thêu bằng tay với ngọc trai và vải sequins thượng hạng. Bộ váy đã gây xôn xao dư luận vào thời điểm đó và nhanh chóng trở thành biểu tượng cho sự phóng khoáng của công nương Diana..
Chiếc váy cưới đầy biểu tượng của công nương Ferguson
Mặc dù công nương Sarah "Fergie" Ferguson được nhiều người biết đến qua vụ bê bối cuối những năm 2000, song đám cưới hoàng gia của cô với Hoàng tử Andrew vào năm 1986 vẫn là một kỉ niệm đáng nhớ. Vào thời điểm đó, Ferguson là công nương được trông chờ nhất trong hoàng gia, theo Vanity Fair.
Công nương Ferguson và hoàng tử Andrew
Vào ngày cưới của mình, Ferguson đã mặc một chiếc váy cưới giản dị theo phong cách của những năm cuối thập niên 80. Không giống những chiếc váy cưới hoàng gia cầu kì, váy cưới của cô nhanh chóng được sao chép và sử dụng bởi dân chúng trong những năm sau. Lindka Cierach, một nhà thiết kế thời trang người Anh gốc Phi, đã tạo ra bộ váy cưới của Ferguson với điểm nhấn là những miếng đệm vai lớn.
Váy cưới của công nương Ferguson giống như một quyển sổ lưu giữ kỉ niệm. Có hình trái tim - tượng trưng cho tình yêu? Hình ảnh chiếc neo và sóng, đại diện cho sự nghiệp hải quân của hoàng tử Andrew? Ngoài ra, chiếc váy còn có biểu tượng hoàng gia và biểu tượng của gia đình Ferguson nữa. Có vẻ như công nương Ferguson muốn mang cả cuộc đời mình lên chiếc váy cưới này!
Chiếc áo choàng đặc biệt của công chúa Anne
Công chúa Anne trong ngày vui của đời mình
Những năm 1970 là một khoảng thời gian táo bạo với nhiều phá cách của ngành thời trang. Công chúa Anne, con gái duy nhất của Nữ hoàng Elizabeth, có thể tự do lựa chọn kiểu váy cho mình trong đám cưới với Thuyền trưởng Mark Phillips vào năm 1973. Dân chúng vẫn nhớ đến công chúa Anne với chiếc áo choàng "không giống ai" thời đó của cô.
Theo Express, công chúa đã chọn một thiết kế của Maureen Baker, nhà thiết kế hàng đầu của thương hiệu Susan Small. Áo choàng của cô theo phong cách Tudor với đường chỉ nổi bật trên thân áo, làm chúng ta dễ liên tưởng đến một chiếc áo choàng len. Cổ áo dựng cao quý phái trong khi tay áo theo phong cách Trung Cổ là một điểm nhấn đáng chú ý.
Chiếc mũ lông vũ của công nương Bowles
Chiếc mũ độc đáo của công nương Bowles
Khi Hoàng tử Charles và Camilla Parker Bowles tổ chức đám cưới năm 2005, công nương Bowles đã chọn một bộ trang phục hoàn toàn phù hợp: một chiếc áo choàng voan màu trắng kết hợp với chiếc áo đầm màu xanh dương và vàng. Chiếc áo khoác, được thiết kế bởi Robinson Valentine, nổi bật lên với những đường thêu bằng chỉ vàng trang nhã. Và để thêm phần tinh tế, công nương Bowles đã kết hợp trang phục của cô với một chiếc mũ lông vàng.
Trong khi công nương Bowles trông rất đẹp và hạnh phúc khi được kết hôn với tình yêu cuộc đời mình, cái mũ được cho là "không liên quan" và hơi cầu kì quá mức so với bộ váy. Nhiều người cho rằng, một chiếc mũ nhỏ sẽ phù hợp hơn với bộ váy trang nhã ấy, nhưng biết làm sao được, quyền quyết định vẫn thuộc về công nương Bowles.
Bộ váy "tối giản nhưng không đơn giản" của công nương Jones
Bộ váy "tối giản nhưng không đơn giản" của công nương Jones
Hoàng tử Edward, con trai út của Nữ hoàng đã cưới công nương Sophie Rhys-Jones vào năm 1999. Cặp đôi này đã trao nhau lời thề trước 200 triệu người xem TV, theo một thống kê không chính thức. Đối với một sự kiện như thế, bạn phải trông thật đẹp! Và đó chính xác là những gì công nương Rhys-Jones đã làm.
Mặc dù trang phục của cô ấy mang phong cách của thập niên 90, nhưng mọi thứ đã được đơn giản hóa đi rất nhiều. Từ xa, váy cưới của Rhys-Jones trông rất giống một chiếc váy được bày bán trong các cửa hàng bình dân, ngoại trừ tấm màn che dài. Điểm nhấn của chiếc váy là nó được làm bằng một loại lụa đặc biệt, khiến cho chiếc váy khi trông ở cự li gần sẽ bồng bềnh. Ngoài ra, bộ váy còn đính vô số những viên ngọc trai li ti. Điều này khiến cho công nương Rhys-Jones lộng lẫy hơn bao giờ hết khi được quay cận cảnh trên truyền hình.
Những bộ váy màu sắc của nữ hoàng Elizabeth
Nữ hoàng Elizabeth rực rỡ trong ngày cưới
Những ngày này, Nữ hoàng Elizabeth được biết đến với trang phục có màu sắc rực rỡ. Cho dù nữ hoàng đang mặc một bộ đồ màu hồng hoặc màu xanh lá cây màu vàng chanh, bà chắc chắn không ngại đưa ra những tuyên bố thời trang táo bạo. Điều này được thể hiện ngay trong chiếc váy cưới của bà: rực rỡ nhưng không kém phần nữ tính.
Chiếc váy được thiết kế bởi Norman Hartnell và lấy cảm hứng từ bức tranh Primavera nổi tiếng của Sandro Botticelli. Nó có lớp satin màu ngà và lớp ngoài được thêu bằng sợi bạc. Chiếc váy được tô điểm bằng những viên ngọc trai trắng và có một lớp lụa dài bằng vải tuyn được gắn vào vai. Vào năm 1947, bộ váy của nữ hoàng Elizabeth là niềm tự hào của hoàng gia cũng như thời trang Anh quốc.
Phong cách "gợn sóng" đã có mặt từ đầu thế kỉ 20
Bộ váy gợn sóng của nữ hoàng Elizabeth I
Nếu bạn tự hỏi Nữ hoàng Elizabeth bị ảnh hưởng bởi ai trong phong cách thời trang của mình, thì câu trả lời có lẽ là nữ hoàng Elizabeth I. Elizabeth Bowes-Lyon, hay Elizabeth I, được biết đến vào đầu thập niên 1920 khi kết hôn với Hoàng tử Albert của hoàng gia Anh năm 1923.
Bowes-Lyon đã mặc một chiếc áo choàng màu ngọc trai và bạc được buộc thắt nút với một chiếc mũ sắt lộng lẫy cho đám cưới của mình. Chiếc áo choàng, do Madame Handley Seymour thiết kế, được dệt bằng lụa đã làm nóng và cán áp lực sau khi dệt để mang lại cho chiếc áo choàng cái nhìn gợn sóng, vốn là một xu hướng thời trang nổi bật đầu thế kỉ 20.
Kate – Biểu tượng mới của thời trang hoàng gia
Váy cưới của công nương Kate
Đám cưới của Hoàng tử William và Kate Middleton là một trong những đám cưới đáng nhớ nhất hành tinh. Váy cưới do Alexander McQueen thiết kế thật xứng đáng là kiệt tác của làng thời trang thế giới. Theo Good Housekeeping, vạt áo được lấy cảm hứng từ những chiếc áo bó thời Victoria và công nương Kate thậm chí còn thêm một chút đệm dưới thắt lưng để chân váy loe hơn.
Phần vải lụa dưới váy được làm giống như một bông hoa nở - một chi tiết chỉ có thể được nhìn thấy khi phần đuôi váy được nâng lên. Các ren áo của Kate cũng được làm hết sức công phu. Mỗi chi tiết ren được tạo ra bằng cách sử dụng kỹ thuật làm ren Carrickmacross, một phương pháp đặc biệt có niên đại từ năm 1820 ở Ireland.
Nguồn: The List
Giang Spiderum
Theo Helino/Trí thức trẻ