Tin mới

Những chuyện tình cảm động ở nơi “chưa bao giờ hết chiến tranh”

Thứ năm, 24/07/2014, 08:49 (GMT+7)

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ở các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng thì dấu tích của một thời bom đạn vẫn còn mãi. “Ở nơi chưa bao giờ hết chiến tranh” này, có những câu chuyện cảm động đến ứa nước mắt vì sự đồng cảm, vì tình yêu thương và tình đồng đội.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ở các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng thì dấu tích của một thời bom đạn vẫn còn mãi. “Ở nơi chưa bao giờ hết chiến tranh” này, có những câu chuyện cảm động đến ứa nước mắt vì sự đồng cảm, vì tình yêu thương và tình đồng đội.

“Nơi này chưa bao giờ hết chiến tranh”

Bốn mươi năm sống ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), đối với bà Mai Thị Hường (70 tuổi), ngày 27/7 luôn là ngày ý nghĩa và hạnh phúc nhất. Đó là lúc được đông đảo khách ở thập phương đến hỏi thăm sức khỏe và tặng quà, là lúc bà được ngồi trò chuyện về mình, về những ký ức thời chiến.

Bà Hường cho biết, khi mới 21 tuổi, bà viết đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong vào tuyến đường 20 dọc Trường Sơn. Sau 3 năm tham gia san lấp, sửa chữa hàng chục tuyến đường cùng đồng đội, một ngày cuối năm 1968, bà bị thương nặng ở cột sống vì trúng phải bom bi của địch ném xuống. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với bà, những vết thương vẫn âm ỉ, ngày nào bà cũng phải dùng thuốc giảm đau. “Với chúng tôi, ở đây toàn những thương bệnh binh nặng, những mảnh bom, vết đạn vẫn còn trong người, nó vẫn hành hạ chúng tôi hàng giờ, hàng phút. Hòa bình nhưng với chúng tôi, nơi đây vẫn chưa bao giờ hết chiến tranh cả”, bà Hường lặng đi vì xúc động.

Thương binh Bùi Đức Bảng (73 tuổi) quê ở huyện Trấn Yên (Yên Bái), nhiều năm nay sống cuộc sống thực vật. Chiến tranh đã cướp đi của ông sự linh hoạt của đôi tay, đôi chân nên mỗi khi di chuyển, ông phải có người dìu lên xe 3 bánh. Sau khi bị tai biến, ông không nói, không vận động được nhưng khi nghe vợ là bà Vương Thị Nho kể chuyện thời chiến, ông lại khóc lên nức nở.

                                 

Chấp nhận lấy người chồng là thương binh nặng 91%, nhưng hạnh phúc vẫn luôn mỉm cười với bà Nho suốt 25 năm qua.  Ảnh: Q.K

Đến với nhau vì tình thương và sự đồng cảm, đến nay, cuộc hôn nhân của cựu binh Bùi Đức Bảng và bà Vương Thị Nho đã được 25 năm. “Thời đó, tôi là giáo viên mầm non trong xã đưa các cháu đến biểu diễn văn nghệ. Được tận mắt chứng kiến sự đau thương, mất mát của các anh, tôi cảm thấy thương xót vô cùng. Từ sự đồng cảm đó, tôi dần mến thương anh ấy, rồi chúng tôi tổ chức lễ cưới trong sự ủng hộ của gia đình và cán bộ của trung tâm. Bên nhau 25 năm cùng bao khó khăn, vất vả trong việc chăm sóc chồng nhưng với tôi, mọi thứ vẫn luôn là tình yêu rất lớn”, bà Nho chia sẻ.

Hạnh phúc vì sự đồng cảm

Khi chúng tôi đến, vợ chồng cựu binh Trần Thị Hồng và Hoàng Văn Uyên (đều 71 tuổi) đang chuẩn bị bữa cơm trưa, thấy có khách đến, ông bà lật đật từ trong khu nhà bếp ra tiếp khách. Cả bà Hồng và ông Uyên đều là thương binh nặng, họ cùng quê Hà Tĩnh nên từ đồng cảm, thương yêu mà trở thành vợ chồng mấy chục năm qua.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Hương Sơn, năm 18 tuổi, bà Hồng tình nguyện xin vào lực lượng thanh niên xung phong đi san lấp hố bom mìn tại khu vực phía Tây Quảng Bình. Năm 1968 bà bị trúng bom và mất đôi cánh tay. Còn ông Hoàng Văn Uyên lúc bấy giờ là lính giao thông gần khu mà bà Hồng đóng quân. Mới ngày đầu gặp nhau hai người đã cảm thấy là của nhau. Biết người yêu bị thương nặng, nhưng vì tình yêu cháy bỏng ông Uyên đã không ngần ngại về Hương Sơn xin phép gia đình được lấy bà Hồng. “Vừa nghe tôi nói sẽ cưới làm vợ, bà Hồng đã ngất xỉu”, ông Uyên nhớ lại. Khi bà ấy đã tỉnh rồi thì nhất quyết từ chối vì mặc cảm với những vết thương trên người. Tuy nhiên, với sự chân thành và những lời động viên, hai ngày sau, chúng tôi đã tổ chức đám cưới. Năm 1977, khi bà Hồng được đưa về điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thuận Thành (Bắc Ninh) thì ông Uyên xin ra công tác tại Trung tâm để có cơ hội phục vụ chăm sóc vợ. Thế rồi lần lượt hai người con được sinh ra, đến nay hai con của ông bà đã trưởng thành, lấy vợ và đã sinh cho ông bà 2 đứa cháu nội.

Bà Mai Thị Hường bảo, ở trong trung tâm này, có đến hàng chục trường hợp thành vợ, thành chồng khi đến đây điều dưỡng. “Mỗi cặp nên vợ nên chồng có mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng có một điểm chung là họ đến với nhau vì sự đồng cảm, yêu thương, tình đồng đội, đồng chí chứ không một chút vụ lợi hay vật chất nào”, bà Hường chia sẻ.

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news